Trong năm tài chính vừa qua, gần 20% doanh thu của Apple được tạo ra từ Trung Quốc đại lục, tương đương 44,7 tỷ đô la
Apple có thể là công ty có nguy cơ cao nhất trong tất cả các công ty công nghệ lớn của Mỹ nếu căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang.
Đầu tuần này, Tổng thống Donald Trump đã đe dọa sẽ tăng thêm thuế quan trị giá 200 tỷ USD lên hàng hóa của Trung Quốc. Đáp lại, Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay họ cũng sẽ có những biện pháp trả đũa cứng rắn nếu Washington tiến hành hành động này.
Trước đó Mỹ cũng công bố dự định đánh thuế bổ sung 25% lên 50 tỷ đô la hàng hóa khác của Trung Quốc, trong đó có các sản phẩm chất bán dẫn.
Các nhà đầu tư sẽ quan sát xem điều này tác động như thế nào đến các công ty công nghệ của Mỹ. Đây là những gì họ công bố.
Apple ‘”bị tác động nhiều nhất”
“Apple sẽ bị tác động nhiều nhất,” Neil Campling, đồng chủ tịch của nhóm chuyên đề toàn cầu tại Mirabaud Securities, nói với CNBC.
Hãy đi sâu vào những con số để bạn có thể thấy tại sao. Trong năm tài chính vừa qua, gần 20% doanh thu của Apple được tạo ra từ Trung Quốc đại lục, tương đương 44,7 tỷ đô la. Vào năm 2017, hãng đã xuất khẩu hơn 41 triệu iPhone vào Trung Quốc và là hãng lớn thứ 5 trên thị trường này, theo số liệu từ IDC.
Trên hết, công ty có khoảng 40 cửa hàng ở Trung Quốc. Và công ty cũng vận hành các dịch vụ của mình như App Store và Apple Music tại Trung Quốc. Dịch vụ là một mảng kinh doanh ngày càng phát triển của Apple khi thị trường điện thoại thông minh chậm lại và đang bão hòa; trong năm tài chính 2017, mảng kinh doanh này chiếm 13% tổng doanh thu thuần, tăng từ 11% trong năm 2016. Apple không muốn phá vợ điều này tại thị trường Trung Quốc.
Apple cũng phụ thuộc rất nhiều vào các nhà cung cấp châu Á. iPhone của nó được lắp ráp tại Trung Quốc bởi hãng Foxconn của Đài Loan.
Có thể nói rằng, Apple đã trở thành công ty công nghệ Mỹ thành công nhất ở Trung Quốc nhưng đây cũng có thể là một điểm yếu chết người.
Trong khi Giám đốc điều hành Apple Tim Cook đã nhận được sự đảm bảo từ Tổng thống Trump rằng iPhone lắp ráp ở Trung Quốc sẽ không phải chịu thuế quan, nhưng vẫn còn đó những nguy cơ hiện hữu nếu cuộc chiến thương mại này leo thang.
Một rủi ro là Bắc Kinh sẽ kiểm soát chặt chẽ các nhà cung cấp của Apple, gây ra sự chậm trễ hoặc thậm chí gây lo ngại về các sản phẩm của Apple. Tờ New York Times đưa tin, trích dẫn từ một nguồn tin thân cận với công ty, rằng đây là một mối quan tâm của Apple nếu chính phủ Trung Quốc làm điều này dưới vỏ bọc là an ninh quốc gia.
Các nhà chức trách địa phương cũng có thể cấm các dịch vụ của Apple – 1 động thái mà họ đã thực hiện trước đó. Vào năm 2016, iBooks và iTunes Movies đã bị cấm cửa tại Trung Quốc.
Bắc Kinh cũng có thể có những hành động bảo hộ cho các công ty điện thoại thông minh trong nước của riêng mình, như Xiaomi và Huawei. Hiện tại, họ phải đối mặt với sự giám sát ở Mỹ với các quan chức tình báo cảnh báo người tiêu dùng Mỹ không nên mua điện thoại Huawei vì sợ bị Trung Quốc theo dõi. Trung Quốc về mặt lý thuyết có thể áp dụng một thông điệp tương tự, nói rằng iPhone là một mối nguy hiểm đối với an ninh quốc gia.
Campling cũng cảnh báo về hàng tồn kho của Apple, tổng cộng 4,4 tỷ đô la trong ba tháng kết thúc vào ngày 30 tháng 12, đã tăng lên 7,6 tỷ đô la trong quý sau đó. Hàng tồn kho bao gồm các sản phẩm hoàn chỉnh cũng như các linh kiện được sử dụng trong các thiết bị của Apple. Ông cho biết đây là bằng chứng cho thấy Apple đã dự trữ các linh kiện quan trọng cấu thành nên thiết bị trong trường hợp có sự gián đoạn và cho thấy sự quan ngại của công ty.
“Đó là biện pháp tự bảo vệ trong trường hợp có khó khăn trong việc mua sắm trang thiết bị trong tương lai hoặc gián đoạn chuỗi cung ứng của Apple có khả năng xảy ra trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc”, Campling đã viết trong một lưu ý cho khách hàng hôm thứ Ba.
Còn các công ty Trung Quốc thì sao?
Các công ty Trung Quốc chắc chắn cũng phải đương đầu với không ít thách thức. Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, dựa vào các công ty của Mỹ như Qualcomm và Intel cho nhiều bộ phận cho phần lớn phần cứng của mình. Nó đang phải đối mặt với sự giám sát ở Mỹ và đã không thể thâm nhập hoàn toàn vào thị trường.
ZTE đang phải đối mặt với các vấn đề mới sau khi một dự luật quốc phòng chờ được thông qua bởi các thượng nghị sĩ có thể cấm công ty này mua linh kiện từ các công ty của Mỹ.
Xiaomi, đang chuẩn bị cho vụ IPO lớn nhất thế giới kể từ thời điểm của Alibaba vào năm 2014, có mảng kinh doanh chính là sản xuất điện thoại thông minh và các thiết bị khác như TV. Phần lớn tập trung vào thị trường Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng một cuộc chiến thương mại có thể cản trở các kế hoạch mở rộng sang thị trường Mỹ, một mục tiêu mà công ty đang hướng đến trong quá trình phát triển.
Nguồn: Trí thức trẻ/CNBC
COMMENTS