Căng thẳng Trung – Ấn và hệ lụy tới hợp tác kinh tế

Lo lạm phát, Ấn Độ tăng lãi suất lần đầu tiên sau 4 năm
Trường trung học tại Ấn Độ này là nơi sản sinh ra CEO của Microsoft, Adobe và Mastercard
Ngân hàng Citibank Ấn Độ cấm việc sử dụng thẻ tín dụng và ghi nợ mua tiền ảo

Căng thẳng kéo dài hơn một tháng qua giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực biên giới hai nước vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. 

Cả Bắc Kinh và New Delhi tới nay vẫn đổ lỗi cho nhau và liên tục đưa ra những tuyên bố cứng rắn, khiến tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Chưa có lối thoát

Kể từ đầu tháng 6/2017, căng thẳng giữa hai nước lại nổ ra ở Doklam, gần ngã ba biên giới Bhutan, sau khi quân đội Trung Quốc xây dựng một con đường tại đây. Động thái này của Trung Quốc được xem là thay đổi nguyên trạng khu vực.

cang thang trung an va he luy toi hop tac kinh te
Binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc tại khu vực biên giới giữa hai nước. (Nguồn: Getty Images)

Mặc dù Trung Quốc và Bhutan đã trải qua nhiều thập kỷ đàm phán biên giới mà không có sự cố nghiêm trọng nào, nhưng lần này Bhutan đã cầu viện đến sự trợ giúp của Ấn Độ, một đồng minh lâu đời, để đưa quân tới khu vực tranh chấp. Căng thẳng đã tăng cao khi cả Trung Quốc và Ấn Độ cùng điều quân đến gần đoạn biên giới mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, nhưng Ấn Độ lại cho rằng khu vực này thuộc lãnh thổ Bhutan.

Doka La là tên gọi của Ấn Độ cho khu vực này, trong khi Bhutan gọi là Doklam, còn Trung Quốc tuyên bố đây là một phần của vùng Donglang.

Đến nay, tình hình đối đầu quân sự căng thẳng giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực biên giới Doklam vẫn không ngừng leo thang. Ấn Độ không chỉ từ chối rút quân theo yêu cầu của Trung Quốc, trái lại còn tập trung thêm nhiều binh lực tại khu vực này.

Truyền thông Ấn Độ cho biết, phía Ấn Độ hiện đã bố trí một lữ đoàn pháo binh tại đoạn phía Đông và đoạn Sikkim khu vực biên giới Trung – Ấn, đồng thời tăng cường một sư đoàn pháo binh hạng nặng được trang bị hỏa pháo cỡ nòng 105 ly, 130 ly, 155 ly, giàn hỏa tiễn BM30 nhập từ Nga và giàn hỏa tiễn do Ấn Độ sản xuất tại khu vực này. Truyền thông Trung Quốc những ngày gần đây cũng đã đăng tải nhiều bức ảnh vệ tinh về việc bố trí trận địa pháo tại khu vực biên giới của Ấn Độ.

Còn về phía Trung Quốc, những ngày gần đây, nước này đã liên tiếp bày tỏ thái độ cứng rắn, cảnh cáo Ấn Độ rằng sự kiềm chế của Bắc Kinh là có giới hạn. Trung Quốc còn cảnh báo, nếu phía Ấn Độ không rút quân, chắc chắn Trung Quốc sẽ áp dụng mọi biện pháp để giải quyết.

Nhằm xoa dịu căng thẳng, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar đã khẳng định rằng, đối thoại mới là biện pháp giải quyết vấn đề. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 5/8 trong chuyến công du tại Myanmar cũng tuyên bố biện pháp duy nhất giải quyết xung đột Ấn Độ – Trung Quốc hiện nay là đối thoại.

Ông Narendra Modi tuyên bố: “Môi trường thế giới thế kỷ XXI tương đối hòa bình và các nước cùng dựa vào nhau, đồng thời cũng phải đối mặt với một loạt thách thức như chủ nghĩa khủng bố và biến đổi khí hậu. Nhưng tôi tin rằng, thông qua truyền thống lâu đời nhất của châu Á là đối thoại và biện luận, tất yếu sẽ tìm được biện pháp giải quyết”.

Theo các nhà phân tích, phát biểu trên của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào thời điểm này nhằm mục đích hạ nhiệt quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Ngoài ra, hai bên cũng đã tiến hành hội đàm sau khi bùng nổ tranh chấp. Tuy nhiên, những động thái đang diễn ra ở biên giới hai nước cho thấy, tình hình căng thẳng vẫn chưa có lối thoát.

Thách thức “Con đường tơ lụa”  

Đánh giá về tình hình căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ, các nhà phân tích nhận định, cuộc đối đầu ngay dưới chân dãy Himalaya hiện nay không chỉ gây căng thẳng chính trị cho hai “người khổng lồ” châu Á, mà còn đe dọa kế hoạch mở rộng cơ sở hạ tầng và thương mại toàn cầu của Bắc Kinh.

cang thang trung an va he luy toi hop tac kinh te
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: DNA India)

Theo số liệu của các cơ quan truyền thông Trung Quốc, nước này phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu. Hơn 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đi qua Ấn Độ Dương và eo biển Malacca. Trong khi đó, Ấn Độ lại có vị trí địa lý chiến lược nằm ở trung tâm của đường dây năng lượng và Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, nên bất kỳ động thái leo thang quân sự nào từ phía Trung Quốc đều có thể làm hỏng kế hoạch thương mại toàn cầu của quốc gia này.

Các nhà phân tích cho rằng, nếu Trung Quốc vẫn giữ cách tiếp cận một cách cứng rắn với Ấn Độ như hiện nay thì sẽ làm phức tạp thêm vấn đề. Khả năng cao là Ấn Độ sẽ rút lại lời đồng ý tham dự vào kế hoạch thương mại lớn của Trung Quốc, dẫn đến việc một số dự án đường sắt cao tốc trong sáng kiến “Con đường tơ lụa mới” của Trung Quốc sẽ phải hoãn lại hoặc bị loại bỏ.

Dự án “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc được khởi xướng năm 2013, nhằm mục đích phát triển cơ sở hạ tầng và thắt chặt quan hệ giữa các nước Á – Âu, chú trọng vào Vành đai kinh tế “Con đường Tơ lụa trên đất liền” và “Con đường Tơ lụa trên biển” của thế kỷ XXI.

Trên thực tế, Ấn Độ là một trong những đối tác chiến lược quan trọng nhất của sáng kiến “Con đường tơ lụa mới” của Trung Quốc. Thời gian qua, Trung Quốc nhiều lần cố gắng thu hút nước láng giềng Ấn Độ tham gia vào dự án này, nhưng Ấn Độ hiện đang hướng tới ý tưởng về “Con đường tơ lụa” riêng của nước này. Đó là một hành lang vận tải dẫn tới Iran, Nga, vùng Caucasus và Trung Á làm phương án thay thế dự án “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.

Hành lang mới được đề xuất mang tên “Bắc – Nam” (NSTC), có chiều dài 7.200 km, sẽ trải dài từ Ấn Độ tới Nga thông qua Iran và nối Vịnh Ba Tư cùng Ấn Độ Dương với Biển Caspi – hồ nước lớn nhất trên thế giới. Với dự án này, quốc gia Hồi giáo Iran sẽ trở thành một điểm nối quan trọng và là đối tác chính trong dự án này.

Các nhà phân tích cho rằng, điều khiến hành lang “Bắc – Nam” trở nên rất quan trọng là vì nó sẽ đem tới chi phí vận tải và thời gian di chuyển giảm bớt 30%. Với những cân nhắc trên, Iran, Nga cùng Ấn Độ hiện đang thảo luận về việc sử dụng các cảng Chabahar hoặc Bender Abbas để đưa hàng hóa đến các cảng Iran trên Biển Caspi.

Ngoài ra, Ấn Độ còn đang tìm kiếm một lộ trình để vận chuyển hàng hóa của nước này qua đường bộ hoặc đường sắt tới Nga và châu Âu. Nhờ tuyến đường này, không chỉ Ấn Độ mà châu Âu và Nga cũng có thể phân phối hàng hóa của mình nhanh hơn và rẻ hơn.

Chính vì vậy, việc căng thẳng biên giới chắc chắn sẽ không có lợi cho phía Trung Quốc.

 

 

Nguồn: Baoquocte

COMMENTS

Các kênh liên lạc khác
Xin chào! Hãy liên lạc với chúng tôi ngay tại đây
Gọi cho chúng tôi