Cuộc khủng hoảng ly khai của Catalonia tại Tây Ban Nha bước vào một thời điểm quyết định khi Chủ tịch vùng đơn phương tuyên bố độc lập.
Theo kế hoạch, đúng 18h ngày 10/10, Chủ tịch vùng Catalonia là Carles Puigdemont sẽ có bài phát biểu quan trọng trước Nghị viện vùng Catalonia, trong đó nhiều khả năng ông Puigdemont có thể đơn phương tuyên bố vùng Catalonia độc lập khỏi Tây Ban Nha.
Đây chính là sự kiện được nói đến nhiều nhất tại Tây Ban Nha trong những ngày qua, sau cuộc trưng cầu ý dân mà chính phủ Tây Ban Nha cho là bất hợp pháp được tổ chức hôm 1/10 tại vùng Catalonia.
Trong cuộc trưng cầu ý dân đó, phe ủng hộ vùng Catalonia ly khai thông báo, có trên 42% cử tri Catalonia đi bỏ phiếu và khoảng 90% trong số đó đồng ý ly khai.
Tuy nhiên, tình hình đã diễn biến hết sức phức tạp trong tuần qua, khi chính quyền trung ương Tây Ban Nha cương quyết giữ thái độ cứng rắn, không chấp nhận đàm phán và đe doạ sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để ngăn cản ý định ly khai của vùng Catalonia.
Cùng lúc đó, dư luận tại chính vùng Catalonia cũng như trong nội bộ lãnh đạo vùng này cũng xuất hiện nhiều chia rẽ.
Hôm 8/10, tức đúng 1 tuần sau cuộc trưng cầu ý dân, gần 1 triệu người đã đổ xuống các đường phố ở thủ phủ Barcelona biểu tình phản đối việc vùng Catalonia ly khai và kêu gọi bảo vệ sự thống nhất của nhà nước Tây Ban Nha.
Tiếp đó, nhiều chính trị gia tên tuổi trong chính quyền vùng Catalonia cũng lên tiếng phản đối ý định đơn phương ly khai.
Mới nhất, hôm 9/10, bà Ada Colau, Thị trưởng thành phố Barcelona tuyên bố vùng Catalonia chỉ có thể tuyên bố độc lập trên nền tảng một cuộc trưng cầu ý dân hợp pháp, trong khi sự kiện bỏ phiếu hôm 1/10 là bất hợp pháp.
Trước sức ép gia tăng từ phía người dân chúng trong vùng, từ chính nội bộ và từ phía chính quyền trung ương Tây Ban Nha, nhiều nhà phân tích cho rằng, người đứng đầu chính quyền Catalonia là ông Carles Puigdemont đang đứng trước một tình thế rất bất lợi.
Nếu ông Puigdemont không dám tuyên bố Catalonia độc lập như các lời quả quyết những ngày qua thì uy tín của ông này cũng như sức mạnh của phong trào ly khai chắc chắn sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng.
Nhưng nếu đơn phương tuyên bố Catalonia độc lập thì chắc chắn chính quyền Catalonia và cá nhân ông Puigdemont sẽ phải hứng chịu phản ứng quyết liệt từ phía chính quyền trung ương Tây Ban Nha.
Một khi lời tuyên bố độc lập được đưa ra, chính quyền Tây Ban Nha có thể ngay lập tức áp dụng điều 155 trong Hiến pháp Tây Ban Nha, tước bỏ quyền tự trị của vùng Catalonia và trực tiếp nắm quyền kiểm soát.
Thậm chí trong trường hợp nghiêm trọng, Thủ tướng Tây Ban Nha, Mariano Rajoy có thể yêu cầu Nghị viện nước này ban bố tình trạng khẩn cấp theo điều 116 Hiến pháp và khi đó, tình thế chính trị tại Catalonia chắc chắn sẽ trở nên tồi tệ.
Vì thế, giải pháp được phía Catalonia chờ đợi nhất lúc này là lời chấp nhận đàm phán từ phía chính quyền trung ương Tây Ban Nha, thông qua trung gian hoà giải quốc tế của Liên minh châu Âu.
Ông Carles Puigdemont đã liên tiếp đưa ra lời kêu gọi này trong những ngày qua nhưng phía chính phủ Tây Ban Nha tuyên bố điều kiện tiên quyết cho mọi cuộc đối thoại là vùng Catalonia phải từ bỏ mọi ý định tuyên bố độc lập.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu vẫn tiếp tục giữ thái độ không can dự, khi cho rằng đây là công việc nội bộ của Tây Ban Nha và cần phải giải quyết trên cơ sở tôn trọng Hiến pháp Tây Ban Nha.
Chính vì thế, một kịch bản đường vòng đang được các chính trị gia ly khai Catalonia nhắc đến, đó là ông Carles Puigdemont vẫn tuyên bố Catalonia độc lập nhưng lùi hiệu lực của tuyên bố này đến vài tháng sau để mở đường cho các cuộc đối thoại.
Nhưng, ngay cả kịch bản này cũng vẫn bị coi là nguy hiểm bởi có thể khiến chính quyền trung ương Tây Ban Nha hành động cứng rắn hơn
Nguồn: Vov.vn
COMMENTS