Chỉ số giá sản xuất Trung Quốc tăng gần 13% so với cùng kỳ

Nga có thể dùng tiền mã hóa để chống lệnh trừng phạt
Amazon cấm 600 thương hiệu Trung Quốc gian lận đánh giá
Vì sao nữ đầu tư đại tài Cathie Wood cho rằng lạm phát tại Mỹ sẽ giảm sau dịp lễ?

Chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng 12.9% so với cùng kỳ, vượt dự báo 12.1% của các chuyên gia kinh tế, dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy trong ngày 09/12. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2.3%, nhanh nhất kể từ tháng 8/2020, nhưng thấp hơn dự báo 2.5% của các chuyên gia kinh tế.

Tình trạng giảm tốc của PPI là dấu hiệu cho thấy các nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc ngăn chặn đà tăng của giá hàng hóa và tình trạng thiếu điện trong vài tháng qua đã phát huy tác dụng. Nếu áp lực giá tiếp tục thuyên giảm, NHTW Trung Quốc sẽ có thêm khoảng trống để đưa ra thêm gói kích thích.

“Sẽ có thêm khoảng trống cho chính sách tiền tệ khi lạm phát tiêu dùng có khả năng sẽ thấp trong nửa đầu năm 2022, trước khi tăng trở lại trong nửa cuối năm”, Bruce Pang, Trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô và chiến lược tại China Renaissance Securities Hong Kong, cho hay. Lạm phát sản xuất có lẽ sẽ tiếp tục chững lại trong vài tháng tới, trong khi đà giảm của giá dầu có thể trung hòa cho đà tăng của giá thịt lợn, ông nói.

Lạm phát tiêu dùng tăng chủ yếu vì giá thực phẩm đắt đỏ hơn. Giá rau tăng vọt 30.6% trong tháng qua, mặc dù giá bán sỉ bắt đầu chững lại. Trong khi đó, giá thịt lợn vẫn còn thấp hơn so với cùng kỳ, giảm 32.7%. Nếu không có đà giảm đó, giá tiêu dùng lẽ ra sẽ tăng 3%.

Tuy nhiên, giá thịt lợn đã bắt đầu tăng trở lại, với giá bán sỉ tăng gần 50% so với đáy tháng 10/2021.

“Khi các chính sách ổn định giá cả và đảm bảo nguồn cung được đẩy mạnh, đà tăng của giá than, kim loại, các loại năng lượng khác và nguyên vật liệu thô đã bị chặn đứng. Điều này dẫn tới sự giảm tốc của PPI”, Dong Lijuan, nhà thống kê cấp cao tại Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết.

CPI lõi – vốn loại trừ giá thực phẩm và năng lượng biến động mạnh – tăng 1.2%, khi đại dịch Covid-19 có thể tiếp tục đè nặng lên lĩnh vực dịch vụ.

Trong ngày 06/12, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cho biết sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của hầu hết ngân hàng thương mại khoảng 0.5 điểm phần trăm trong tuần tới. Động thái này sẽ giải phóng 1.2 ngàn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 188 tỷ USD) thanh khoản ra thị trường. Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc có dư địa để thực hiện nhiều công cụ chính sách tiền tệ, bao gồm cả cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc ra động thái để hỗ trợ nền kinh tế, giữa lúc đà suy giảm của thị trường bất động sản đe dọa tới đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tại cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc ngày 06/12/2021 với sự chủ trì của Chủ tịch Tập Cận Bình, các quan chức báo hiệu sẽ nới lỏng các biện pháp kiểm soát bất động sản, đồng thời cam kết ổn định nền kinh tế trong năm 2022. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc gặp khủng khoảng về thanh khoản.

COMMENTS

Các kênh liên lạc khác
Xin chào! Hãy liên lạc với chúng tôi ngay tại đây
Gọi cho chúng tôi