Chính sách ngoại giao của Trump sau một năm làm tổng thống ra sao?

Yên Nhật tăng giá khiến GBPJPY giảm 50 pip tại châu Á
Mã nguồn iOS bị lộ, iPhone có thể thành mồi ngon cho hacker
Amazon lãi chưa từng có trong lịch sử

Tròn 1 năm trước, tháng 11/2016, ông Donald Trump bất ngờ đắc cử Tổng thống Mỹ. Dựa vào những gì ông đã nêu ra khi tranh cử, nhiều người dự doán rằng chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ bị đảo ngược theo hướng tiêu cực. Ông tuyên bố sẽ xóa bỏ các hiệp định thương mại, “xây hào” với các nước đồng minh, “đặt bom hẹn giờ” dưới trật tự mà thế giới đã duy trì mấy thập kỷ qua. Theo ông, NATO đã lỗi thời, NAFTA là “hiệp định thương mại tồi tệ nhất từ trước đến nay” và người Mỹ quá tốt so với người nước ngoài. “Ngày xưa, khi bạn chiến thắng trong 1 cuộc chiến, đơn giản là bạn chiến thắng và chiếm lấy đất nước thua cuộc”, ông phát biểu và không quên thêm rằng ông sẽ đánh bom tiêu diệt Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và “cướp lấy dầu mỏ”.

Tuy nhiên, có thể thấy kể từ đó đến nay, chính sách đối ngoại của ông Trump không tệ như những gì ông đã nói. Đúng là ông đã rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và bỏ rơi TPP. Tuy nhiên, ông không hề khiến nước Mỹ bị cô lập. Mỹ không rời khỏi NATO và thậm chí một vài đồng minh của Mỹ ở Đông Âu lại thích tính cách của ông hơn so với vẻ ôn hòa của người tiền nhiệm Barack Obama.

Chẳng có cuộc chiến tranh nào nổ ra như mọi người từng lo sợ. Trump đã có một vài động thái ở Afghanistan và giúp Iraq lấy lại các thành phố từ tay IS. Ở những phần khác của thế giới mà ông ít để ý tới (như châu Phi), chính sách của người tiền nhiệm tiếp tục được duy trì. Chuyến công du châu Á kéo dài 12 ngày vừa qua có thể được coi là động thái rõ ràng nhất thể hiện chính sách đối ngoại của ông.

Về an ninh, Trump đã tránh được nhiều sai lầm. Ông không lâm vào cuộc tranh cãi không cần thiết với Trung Quốc về tham vọng của đảo Đài Loan như đã đe dọa trước đó. Ông cũng đã khiến Trung Quốc phải gây thêm một chút áp lực lên tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.

Nhiều người cảm thấy an tâm trước những gì đã xảy ra. Chí ít thì những người thân cận như Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng Quốc phòng và cố vấn an ninh quốc gia của Trump đều hiểu rõ những hệ quả khủng khiếp của 1 cuộc chiến tranh và sẽ ngăn cản ông làm bất cứ điều gì bất cẩn. Một số người lạc quan thậm chí dự đoán rằng Trump sẽ hành động giống như cựu Tổng thống Ronald Reagan, người có thể hồi phục sức mạnh quân sự của Mỹ và có thể khiến nhiều nước phải run sợ bằng cách làm đảo lộn trật tự ngoại giao hiện hành.

Tuy nhiên, vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ cũng đã mắc phải một số lỗi khá nghiêm trọng, ví dụ như làm xói mòn thỏa thuận hạt nhân với Iran hay sự yêu thích đặc biệt mà ông dành cho các tướng khiến nhiều nhà ngoại giao bị “thất sủng”, kết quả là Bộ Ngoại giao Mỹ đã mất đi nhiều đại sứ dày dặn kinh nghiệm. Và Trump vẫn rất thích “gây bão” trên Twitter với những lời nạt nộ hướng về nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Về thương mại, Trump vẫn duy trì góc nhìn hoạt động thương mại trên thế giới là 1 trò chơi có tổng bằng 0, tức là bên xuất khẩu là người thắng còn bên nhập khẩu là kẻ thua. Ông cũng thể hiện rõ ràng rằng nước Mỹ thích các hiệp định song phương hơn là đa phương, vì theo cách đó 1 nước lớn như Mỹ sẽ ở thế trên cơ và buộc các nước nhỏ phải nhượng bộ.

Cách tiếp cận này không phù hợp ở 2 điểm. Thứ nhất, nó hoàn toàn không hấp dẫn được các nước nhỏ, và như vậy thì các rào cản bảo hộ thương mại càng được dựng lên nhiều hơn, khó vượt qua hơn. Thứ hai, những quy tắc phức tạp tạo nên 1 mớ hỗn độn trong bức tranh thương mại thế giới sẽ nảy nở trong khi mấy chục năm qua mục đích của các hiệp định thương mại đa phương chính là khiến cho mọi thứ đơn giản hơn. Nội các của ông Trump sẽ chưa thể làm đảo lộn hoạt động thương mại toàn cầu cho đến khi kế hoạch cải cách thuế được Quốc hội Mỹ thông qua. Tuy nhiên khi điều đó xảy ra nhiều thứ sẽ thay đổi.

Có lẽ thứ bị tổn hại nhiều nhất kể từ khi ông Trump lên nắm quyền đến nay là quyền lực mềm của nước Mỹ. Không giống như những người tiền nhiệm, ông bác bỏ quan điểm nước Mỹ phải đứng lên đi đầu trong việc bảo vệ các giá trị như nhân quyền và dân chủ trên khắp thế giới.

Sẽ là hời hợt nếu cho rằng thế giới chỉ đơn giản là sẽ quay trở lại trạng thái bình thường sau khi nhiệm kỳ của Tổng thống Trump kết thúc. Thế giới vẫn đang vận động từng ngày. Các nước châu Á đang xây dựng những mối quan hệ thương mại mới, với Trung Quốc thường nằm ở trung tâm. Còn người châu Âu vẫn đang loay hoay tự tìm ra cách bảo vệ bản thân mình khi không thể dựa dẫm quá nhiều vào “chú Sam” như trước. Và ngay trên đất Mỹ, ở cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ hiện đang có nhiều chính trị gia theo chủ nghĩa bảo hộ hơn bao giờ hết.

Nước Mỹ đang dần biến đổi dưới bàn tay của 1 vị Tổng thống tin rằng các quốc gia hùng mạnh chỉ nên chơi với nhau. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng “nước Mỹ trước tiên” có thể khiến Mỹ và cả thế giới yếu đi!

 

Nguồn: Economist

COMMENTS

Các kênh liên lạc khác
Xin chào! Hãy liên lạc với chúng tôi ngay tại đây
Gọi cho chúng tôi