Thế hệ cao tuổi của mỗi xã hội khác nhau đều gặp phải những thách thức khác nhau. Còn đối với quốc gia có tỷ lệ dân số già hoá cao nhất thế giới đó lại là một vấn đề rất nan giải: tội phạm cao tuổi.
Bà O, 78 tuổi, nhận án phạt 1 năm 5 tháng vì đã ăn cắp đồ uống, cà phê, trà, một viên cơm, một trái xoài.
“Nhà tù là nơi nương tựa của tôi, là nơi tôi cảm thấy thư thái và thoải mái. Có thể ở đây không được tự do nhưng ít ra tôi không phải lo nghĩ về bất cứ điều gì. Chúng tôi có đầy đủ 3 bữa ăn mỗi ngày.”
Bà có một con gái và một cháu trai, con gái bà vào thăm mỗi tháng một lần. Bà chia sẻ: “Nó nói rằng nó không thấy thương tiếc cho tôi, nó nói rằng tôi thật thảm hại. Có lẽ đúng.”
Đây là câu chuyện ở Nhật Bản – đất nước có tỷ lệ dân số già hoá cao nhất thế giới, chịu án phạt trong tù ở cái tuổi gần đất xa trời và bà O chỉ là một trong số rất nhiều người cao tuổi khác cũng tìm đến nơi này. Họ cô đơn, lạc lõng trong chính gia đình mình.
Thế hệ cao tuổi của mỗi xã hội khác nhau đều gặp phải những thách thức khác nhau. Còn đối với quốc gia có tỷ lệ dân số già hoá cao nhất thế giới đó lại là một vấn đề rất nan giải: tội phạm cao tuổi.
Tỷ lệ khiếu nại và các vụ bắt giữ người cao tuổi đang ở mức cao hơn rất nhiều so với các nhóm tội phạm khác, đặc biệt là phụ nữ. Tại Nhật Bản, cứ 5 phụ nữ đang bị giam giữ thì lại có 1 người là người già. Điều đáng chú ý là tội danh của họ thường rất nhẹ, hầu hết chỉ bị bắt giữ vì ăn cắp đồ.
Tỷ lệ tội phạm người cao tuổi ở Nhật Bản
Màu đen: Tất cả các tội danh. Màu xanh: Tội ăn cắp vặt.
Đâu là nguyên nhân?
Thay vì việc tuân thủ pháp luật họ lại có những hành vi trộm cắp, đó là bởi trước đây gia đình hoặc các cộng đồng thường chịu trách nhiệm cho việc chăm sóc người cao tuổi, nhưng điều đó đang dần thay đổi.
Từ năm 1980 đến năm 2015, số lượng người cao niên phải sống một mình đã tăng lên đến 6 lần, với con số gần 6 triệu người. Một cuộc khảo sát của chính phủ Nhật Bản vào năm 2017 đã chỉ ra rằng, hơn một nửa số người cao niên bị bắt vì tội ăn cắp vặt đều đang sống một mình và hơn 40% không có gia đình hoặc hiếm khi nói chuyện với người thân.
Áp lực của những cai ngục
Ngay cả những người đang sống cùng gia đình cũng nói rằng họ cảm thấy “vô hình” trong chính căn nhà của mình. Yumi Muranaka, quản lý nhà tù dành cho nữ Iwakuni cho biết: “Họ có gia đình nhưng đó không phải là tổ ấm. Họ cảm thấy không được thấu hiểu, thậm chí là sống như người giúp việc trong nhà.”
Gần một nửa trong số những người ở độ tuổi từ 65 trở lên đều sống trong cảnh bần hàn, bởi chính hệ quả của tình trạng già hoá dân số. Một tù nhân chia sẻ: “Chồng tôi mất vào năm ngoái. Chúng tôi không có con, vì thế tôi phải sống một mình không nơi nương tựa. Tôi đến siêu thị để mua rau củ, rồi nhìn thấy một túi thịt bò nhưng vì không có tiền nên tôi đã lấy trộm nó.”
Cho đến nay, Chính phủ Nhật Bản và khu vực tư nhân ở nước này chưa có các chương trình cải tạo hiệu quả cho người già. Chính vì vậy, chi phí cho việc giam giữ họ trong tù đã tăng nhanh. Chi phí y tế hàng năm tại các cơ sở cải huấn đã vượt qua mức 6 tỷ yên (tương đương hơn 50 triệu USD) vào năm 2016, tăng hơn 80% trong một thập kỷ qua. Họ thuê các điều dưỡng viên để tắm rửa và vệ sinh cho các tù nhân cao tuổi vào ban ngày, còn ban đêm công việc này sẽ là các cai ngục chịu trách nhiệm.
Tại một số trung tâm, cai ngục cũng có nhiệm vụ như một điều dưỡng viên. Satomi Kezuka, một sĩ quan kỳ cựu tại nhà tù dành cho nữ Tochigi, cho biết rằng họ còn phải đối phó với sự mất kiểm soát của người già. Bà nói: “Họ xấu hổ và giấu đồ lót đi. Tôi phải yêu cầu họ đưa cho tôi để mang đi giặt.” Công việc quá áp lực, vì thế chỉ trong vòng 3 năm, đã có hơn 1/3 nữ cai ngục xin nghỉ việc.
Vào năm 2016, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua luật để đảm bảo rằng những người già ở nước này nhận được sự hỗ trợ từ hệ thống phúc lợi và dịch vụ xã hội. Kể từ đó, các văn phòng công tố viên và nhà tù đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong chính phủ để những người già phạm tội nhận được sự hỗ trợ cần thiết. Tuy nhiên, các nguyên nhân khiến cho họ phải tìm đến nhà tù làm nơi nương tựa lại nằm ngoài khả năng của các cơ quan chức năng.
“Cuộc sống trong tù dễ dàng hơn nhiều”
“Lần đầu tiên vào nhà tù là năm tôi 84 tuổi”, bà F, 89 tuổi, lấy cắp gạo, dâu tây, thuốc cảm và đang chịu án phạt 1 năm rưỡi.
Bà cho biết bà có một con gái và một đứa cháu. “Trước đây, tôi sống một mình dựa vào phúc lợi xã hội. Sau đó tôi sống cùng gia đình của con gái, nó lấy hết tiền tiết kiệm của tôi để đưa cho đứa con rể bạo lực và suốt ngày chửi rủa”, đây là lần thứ hai bà tìm đến nhà tù.
Bà T, 80 tuổi, lần thứ 4 vào tù. Lần này bà chịu án 2 năm rưỡi vì ăn cắp trứng cá tuyết, các loại hạt giống và một cái chảo.
“Trước đây tôi không bao giờ nghĩ đến việc ăn cắp. Tôi chỉ nghĩ về công việc, tôi phải làm thật chăm chỉ. Tôi làm việc tại một nhà máy cao su trong 20 năm sau đó làm điều dưỡng viên ở một bệnh viện. Không dư dả nhưng tôi vẫn để dành cho con trai đi học đại học. 6 năm trước, chồng tôi bị đột quỵ và sau đó chỉ nằm một chỗ. Ông còn bị mất trí nhớ và mắc chứng hoang tưởng. Đó là một gánh nặng về cả vật chất lẫn tinh thần đối với tôi, ở cái tuổi ‘xế chiều’ như thế này. Nhưng tôi không thể chia sẻ với ai chỉ bởi tôi cảm thấy xấu hổ.”
“Lần đầu tiên vào tù là khi tôi 70 tuổi. Tôi đã ăn cắp. Không phải vì tôi không có tiền, tôi ở đó và nghĩ về cuộc đời mình, tôi không muốn về nhà nhưng lại chẳng có nơi nào để đi. Vào tù là cách duy nhất. Cuộc sống trong tù dễ dàng hơn rất nhiều, tôi cảm thấy nhẹ nhõm cho dù mọi thứ cũng chỉ là tạm thời.”
Bà N, 80 tuổi. Đây đã là lần thứ 3 bà bị giam giữ. Bà chịu án 3 năm 2 tháng vì ăn cắp một cuốn sách, món khoai croquette và một chiếc quạt cầm tay.
“Tôi rất cô đơn. Chồng tôi cho tôi rất nhiều tiền và mọi người luôn nói rằng tôi thật may mắn. Nhưng những gì tôi muốn không phải là tiền. Lần đầu tiên tôi ăn cắp là khoảng 13 năm trước. Tôi vào một hiệu sách trong thị trấn và lấy trộm một cuốn tiểu thuyết. Tôi bị bắt, bị đưa tới đồn cảnh sát, nhưng viên cảnh sát lại rất nhẹ nhàng và ân cần. Anh ấy lắng nghe mọi điều tôi nói, và vỗ nhẹ vào vai tôi, “Tôi hiểu rằng chị rất cô đơn, nhưng đừng làm việc này nữa.”
“Tôi rất hứng thú với công việc trong nhà máy ở đây. Tôi đã rất vui khi được khen ngợi mỗi khi hoàn thành công việc. Ở đây tôi không hề cô đơn, luôn có những người bạn tù để trò chuyện và chia sẻ. Khi hết hạn tù, tôi lại cảm thấy nhớ nơi này.”
Bà K, 74 tuổi, chịu án phạt vì ăn cắp một chai Coca-Cola và một cai nước cam.
“Tôi sống nhờ vào phúc lợi xã hội với 1000 yen (9 USD) một ngày. Số tiền đó không đủ để chi trả cuộc sống. Tôi không có gì để hy vọng về cuộc sống ngoài kia.”
Nguồn: Trí thức trẻ
COMMENTS