Sau khi thương vụ mua lại IP Meebits và CryptoPunks của Yuga Labs được đưa tin gần đây, nhiều người tỏ ra lo ngại về hành vi thao túng thị trường. Mối quan tâm này bắt nguồn từ việc một số địa chỉ đã mua tổng cộng 159 NFT Meebits từ ngày 5/3 đến 11/3.
Kể từ khi Yuga Labs mua lại IP vào ngày 11/3, giá sàn đã tăng hơn gấp đôi lên trên 6 ETH, tức là khoảng 15.000 đô la.
Theo NFTEthics trên Twitter, hầu hết các địa chỉ mua NFT trong thời gian này đều thuộc về những người trong cuộc.
Cụ thể, Trưởng bộ phận marketing sản phẩm tiêu dùng tại Twitter Justin Taylor và cựu Trưởng bộ phận marketing của TikTok Nick Tran đã mua NFT Meebits trước thương vụ này. Đây là những người có thể đã biết về các kế hoạch của Yuga Labs.
Nguồn: NFTEthics
Ngoài ra, cũng có thể những người trong cuộc khác đã tạo ví mới để mua NFT Meebits.
Trong khi một số người tự hỏi liệu những địa chỉ Ethereum này có thuộc về các nhà đầu tư NFT may mắn mua đúng vào thời điểm thích hợp hay không, những người khác tin rằng họ làm vậy vì có thông tin nội bộ.
Nhưng thật khó để xác định điều này vì thị trường đồn đoán về việc mua lại của Yuga Labs chỉ vài ngày trước khi nó xảy ra. Tính ẩn danh của không gian tiền điện tử cũng khiến chúng ta không thể biết chính xác những người thực sự đứng sau các giao dịch mua là ai.
Vấn đề này một lần nữa kích hoạt những suy đoán về hành vi thao túng thị trường được xem là vấn nạn gây không ít trở ngại cho sự phát triển của không gian NFT. Sự biến động của thị trường tiền điện tử cũng lan sang không gian NFT, có nghĩa là các nhà đầu cơ phải dựa vào linh cảm của họ và thông tin công khai có sẵn để kiếm lợi nhuận.
Tính đến hiện tại, chưa có bên nào liên quan đến thương vụ đưa ra bình luận về các cáo buộc, kể cả Yuga Labs và Larva Labs.
Việc thiếu các quy định cho ngành đã gây khó khăn trong việc xác định hành vi thao túng thị trường. Ngay cả khi bị phát hiện, việc truy tố hành vi đó cũng gần như là không thể.
Do vậy, giải pháp để ngăn chặn điều này chỉ tùy thuộc vào các nền tảng NFT. Năm ngoái, OpenSea đã cấm nhân viên của mình giao dịch NFT được niêm yết trên nền tảng sau khi một nhân viên mua NFT được niêm yết trước khi công khai và bán để kiếm lợi nhuận sau đó.
Ngoài thông tin nội bộ, một hình thức thao túng thị trường phổ biến khác là wash trading. Wash trading là quá trình tăng giá NFT bằng cách giao dịch nó giữa nhiều ví và tất cả đều do cùng một người kiểm soát. Những vấn đề này đã thôi thúc nhiều người phải lên tiếng yêu cầu có quy định áp dụng cho không gian NFT.
Tham gia Telegram của Finnews24 để theo dõi tin tức và bình luận về bài viết này: https://t.me/s/finnews24
Đình Đình
Theo Cryptoslate
COMMENTS