Nhưng rõ ràng, đó là một chỉ dấu “sinh lợi” từ đất. Mà trước hết đây là một trong những hướng đi nhằm huy động nguồn lực về tiền cho ngân sách của thành phố nhằm tập trung đầu tư các dự án trọng điểm, mang tính chiến lược phát triển bền vững giai đoạn tái thiết sau đại dịch. Khai thác, sử dụng hiệu quả tài sản công, trong đó có nhà đất công là một “đòn bẩy” để thu hút nguồn tiền từ quỹ đất.
Trong khi chờ cú bấm nút chính thức từ Quốc hội để tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách trung ương từ 18% lên 21% cho TP HCM; trong khi chờ sự chấp thuận để tiến tới phát hành trái phiếu địa phương; trong khi các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế đang chuẩn bị được “mở” và xúc tiến mạnh mẽ thì cuộc khởi động bằng phiên đấu giá đất công là một bước đi đúng hướng, trúng lợi thế lẫn tiềm năng và thiết thực – sau phiên đấu giá khoảng 100 ngày, nếu việc mua bán tài sản diễn ra đúng theo hợp đồng, thuận lợi thì ngân sách thành phố sẽ thu về số tiền 37,346 tỷ đồng. Cơ quan chức năng thành phố sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng và giao đất trong hạn không quá 5 ngày làm việc sau khi cấp giấy.
Từ đây, cũng mở ra hướng khai thác tương tự đối với các “mỏ vàng” trong thành phố như khu vực Bình Quới -Thanh Đa, các khu chế xuất – khu công nghiệp đã hoàn thành “sứ mệnh lịch sử”, không còn phù hợp với vai trò nhà máy, xưởng sản xuất hay ngay tại khu tái định cư Thủ Thiêm… Nó thay thế cho cách làm cũ, chỉ định cho một số doanh nghiệp, tập đoàn đã vốn chứa đựng nhiều bất cập, dẫn tới hệ lụy mất “của” lẫn “người”. Với các phiên đấu giá công khai, minh bạch, đây thật sự là “cuộc chơi” công bằng của các doanh nghiệp.
Tất nhiên, vai trò “ổn định giá”, đảm bảo để thị trường cân bằng, kiểm soát theo quy luật của chính nó về giá của nhà nước trước, trong và sau các phiên đấu giá – mà cụ thể là phiên đấu giá 4 lô đất ở Thủ Thiêm – là hết sức quan trọng. Nó phải được bạch hóa các giá trị hiện hữu lẫn tiềm năng để tạo nên trị giá của tài sản đất trúng đấu giá mà không chênh lệch một cách bất thường – dấu hiệu của các nhà đầu tư muốn đẩy giá lên cao tại phiên đấu giá để tạo ra mặt bằng giá đất mới trong khu vực (?).
Một điểm cũng cần được lý giải để thấy có hay không sự “bất thường” về giá của một trong 4 tài sản đất trúng đấu thầu ở Thủ Thiêm vừa qua. Đó là so với giá đất ban đầu rất thấp, tức giai đoạn Thủ Thiêm còn là vùng ven chưa được đầu tư hạ tầng thì giờ đây, vừa là một khuôn mặt mới đã và đang được hình thành, vừa đặt trong quy mô, tiềm năng phát triển của Thành phố Thủ Đức thì sự gia tăng ở cấp độ “nóng” – qua phiên đấu giá – là điều có thể hiểu được.
Nhưng xin được nhắc lại, đó là trách nhiệm sống còn của nhà nước phải đảm bảo công cụ điều tiết thị trường, nhất là thị trường đất đai, bất động sản thật sự chặt chẽ, minh bạch, hiệu quả. Nếu không, sẽ dẫn tới sự phá vỡ quy hoạch, xây dựng, mua bán tràn lan, càng khó xử lý dứt điểm những hệ lụy chất chồng.
TP HCM đã và đang gượng dậy sau cơn cuồng phong Covid-19. Kết quả của phiên đấu giá ngày 11-12 trên 4 lô đất ở Thủ Thiêm là dấu hiệu “hồi sinh” của doanh nghiệp trong nước (trong 4 lô đất trúng đấu giá, 2 lô nhỏ thuộc về doanh nghiệp trong Nam, 2 lô lớn thuộc về doanh nghiệp phía Bắc). Nó cũng cho thấy “tấc đất tấc vàng” tại TP HCM, để từ đấy thu hút nguồn đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp.
Vấn đề là bán đất để… có vốn mà nuôi dưỡng, phát triển môi sinh cho đất. Đất lại tiếp tục vòng quay mà phục vụ cho con người. Ở đây, trong mục tiêu và quyết sách của thành phố, đó chính là để chăm lo cho cuộc sống của người dân. Nó được cụ thể hóa thành là nguồn vốn để đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông, nhà ở, kích hoạt thị trường lao động… Để từ vùng đất trũng, Thủ Thiêm sẽ được đắp bồi, kết tụ bởi mục tiêu, ý chí của chính quyền; tính năng động, táo bạo, làm và làm thành công của doanh nghiệp để kết quả thụ hưởng không ai khác, trước hết là người dân Thủ Thiêm, sau đó là đòn bẩy cho sự phát triển chung của thành phố, của khu vực, quốc gia.
COMMENTS