Điều gì khiến nhà đầu tư nước ngoài chấp nhận bỏ giá 30.000 đồng/cổ phiếu để gom 5% vốn TPBank?

Vinaconex dự kiến thu về hơn 400 tỷ lợi nhuận từ dự án Splendora trong năm 2018
Tâm điểm tuần giao dịch 4-8/12: Nín thở chờ phiên đấu giá Vinaconex và V.N.M ETF công bố danh mục quý 4
2 phương pháp chốt lãi điển hình trong đầu tư chứng khoán

Điều gì khiến nhà đầu tư nước ngoài chấp nhận bỏ giá 30.000 đồng/cổ phiếu để gom 5% vốn TPBank? Hồi tháng 8 năm ngoái IFC mua 5% vốn của TPBank với giá trị hơn 400 tỷ đồng, nhưng đến nay PYN Elite Fund lại chấp nhận chi tới hơn 880 tỷ để trở thành cổ đông lớn sở hữu tỷ lệ vốn tương đương với IFC.

Chiều muộn ngày 7/12, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) công bố quỹ đầu tư PYN Elite Fund của Phần Lan chính thức trở thành cổ đông lớn của ngân hàng này với lượng cổ phiếu sở hữu 4,99% vốn của TPBank.

Trị giá của thương vụ góp vốn là 40 triệu USD, tương đương khoảng 880 tỷ đồng. Như vậy, theo tính toán của chúng tôi, mức giá chuyển nhượng cổ phiếu này rơi vào khoảng 30.000 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, hồi tháng 8/2016, TPBank cũng có một đối tác khác là Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đã chi 18,3 triệu USD tức khoảng 403 tỷ đồng để sở hữu 4,999% vốn của TPBank thông qua hình thức mua cổ phiếu ưu đãi.

Hai thương vụ với tỷ lệ sở hữu tương đương nhau nhưng giá trị vô cùng khác biệt, trong đó PYN đưa ra giá cao hơn gấp đôi so với IFC. Nhiều người ắt hẳn sẽ đặt câu hỏi, vậy phải chăng IFC mua được rẻ hay là PYN đã mua dính giá đắt? Để trả lời chính xác câu hỏi này có lẽ không đơn giản, nhưng thị trường có thể tự đánh giá và đưa ra câu trả lời phần nào nếu nhìn vào tình hình hoạt động của TPBank thời gian gần đây.

TPBank tiền thân là ngân hàng TienPhongBank – 1 trong 9 ngân hàng yếu kém bị phát hiện vào năm 2011 và thuộc diện buộc phải xử lý do đã bị âm vốn. Đầu năm 2012, Tập đoàn DOJI do ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc, làm đại diện và ông Đỗ Anh Tú – Tổng giám đốc Doanh nghiệp Diana Việt Nam (em trai ông Phú) cùng với các cổ đông tiềm năng khác quyết định bỏ vốn vào tái cơ cấu và nắm giữ 20% tổng số cổ phần của ngân hàng này.

Sau khi bơm vốn, ông Đỗ Minh Phú vào làm chủ tịch của TienPhongBank và ông Tú làm phó chủ tịch HĐQT. Ban đầu, thị trường rất lo ngại bởi anh em nhà ông Phú là người kinh doanh vàng và hàng tiêu dùng vốn có vị thế vững trên thị trường bỗng chốc lại nhảy sang một lĩnh vực hoàn toàn mới lại vô cùng rủi ro là ngân hàng, hơn thế nữa lại là ngân hàng yếu kém thì dù cho nhóm DOJI có mua được cổ phiếu dưới mệnh giá (theo tính toán của chúng tôi mức giá rơi vào khoảng 5.000 – 6.000 đồng/cổ phiếu), thì cũng vẫn chẳng khác nào “lao đầu vào đá”.

Nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Dưới bàn tay của hai doanh nhân trong một nhà và sự trợ giúp từ các nhà đầu tư cùng giàn lãnh đạo ngân hàng, TienPhongBank nhanh chóng hồi phục và bứt phá. Diện mạo mới được thay đổi, từ sắc màu nhận diện thương hiệu cho đến “chiếc áo mới” TPBank ra đời.

Từ một ngân hàng âm vốn, đến giữa năm 2015 TPBank đã bù đắp xong toàn bộ lỗ lũy kế, toàn bộ phần thặng dư âm vốn và xử lý xong mọi tồn đọng của ngân hàng cũ, trở thành ngân hàng đầu tiên và duy nhất trong nhóm 12 ngân hàng phải tái cơ cấu (9 ngân hàng ban đầu và sau đó là 3 ngân hàng 0 đồng) tái cơ cấu thành công.

Quý 3/2015, TPBank chính thức bước vào giai đoạn mới là bứt phá. Cả năm 2015, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 625 tỷ đồng, năm 2016 đạt trên 706 tỷ và 11 tháng đầu năm 2017 đã vượt 1.000 tỷ đồng cùng dự kiến cả năm sẽ đạt khoảng 1.200 tỷ – lọt vào nhóm 10 ngân hàng có lợi nhuận tốt nhất. Quy mô tài sản của ngân hàng cũng đã vượt qua mốc 100 nghìn tỷ và vốn điều lệ đã tăng gấp đôi so với thời điểm năm 2012.

Ngoài kết quả kinh doanh tốt, TPBank còn kiểm soát tốt được chất lượng nợ xấu. Nếu như thời gian tái cơ cấu nợ xấu có lúc đến hơn 6% trên tổng dư nợ thì hiện nay tỷ lệ này chỉ còn chưa đến 1% – nằm trong nhóm những ngân hàng có nợ xấu thấp nhất. Hơn thế nữa, TPBank còn đang dẫn đầu về ngân hàng số (được cho là xu thế của tương lai) trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Nhờ sự lột xác thành công, cổ phiếu của TPBank trên sàn OTC cũng được đánh giá cao, tăng một mạch từ dưới mệnh giá hồi năm ngoái lên vùng 25.000 – 26.000 đồng/cổ phiếu hiện nay – và là một trong những ngân hàng có mức giá cổ phiếu tăng tốt nhất của nhóm chưa lên sàn, cùng với Techcombank, HDBank, OCB.

Một điểm đáng chú ý nữa, trong khi các ngân hàng Việt khác rất chật vật để tìm kiếm đối tác nước ngoài nhằm tăng năng lực tài chính, tăng vị thế trên thị trường, thì TPBank, với sức hút của một ngân hàng trẻ đang bứt tốc, lại thu hút được sự chú ý của không chỉ một mà tới hai đối tác lớn là IFC và PYN Elite Fund. Chỉ trong vòng 15 tháng, hai nhà đầu tư này đã đổ vào TPBank tổng cộng hơn 1.200 tỷ đồng. Thậm chí, người mua sau hơn 1 năm lại phải bỏ ra lượng tiền cao gấp hơn 2 lần mới sở hữu được số cổ phần mà người đi trước đã mua.

Dù là ngân hàng non trẻ nhất hệ thống với chưa đến 10 năm tuổi và phải trải qua giai đoạn “đại phẫu thuật” nhưng những gì mà TPBank đã và đang thể hiện cũng đủ chứng tỏ cho thị trường thấy họ sẽ là tên tuổi đáng gườm.

Trở lại với câu hỏi ban đầu mà người viết đã nêu rằng liệu IFC đã mua rẻ hay PYN mua giá đắt, câu trả lời lúc này vẫn là tùy thị trường cảm nhận. Nhưng với những phân tích về TPBank nói trên, rõ ràng không chỉ IFC, nhóm nhà đầu tư DOJI mà còn rất rất nhiều nhà đầu tư khác đã thắng lớn khi đặt cược niềm tin vào TPBank.

Còn riêng PYN Elite Fund, dù mới chỉ đầu tư vào Việt Nam từ năm 2013 nhưng quỹ 18 năm tuổi của Phần Lan này đã gặt hái được nhiều thành quả từ các khoản đầu tư khắp thế giới. Tại Việt Nam, danh mục cổ phiếu PYN Elite Fund yêu thích và đầu tư phải kể đến như MWG của Thế giới di động, HBC của Địa ốc Hòa Bình, CII, KDH của Khang Điền, MSN của Masan, VCG của Vinaconex, VND của VnDirect, PAN của PANfoods, HUT, NLG, DIG, CEO…Những cổ phiếu trong danh mục của PYN Elite Fund đều đã tăng mạnh mẽ từ khi quỹ này rót vốn 3-4 năm trước và gần đây bắt đầu chốt lãi tại một số khoản.

Trong lĩnh vực ngân hàng, PYN trước khi rót vốn vào TPBank thì cũng đã đầu tư vào cổ phiếu VPB của VPBank. Với những kết quả đạt được trên thị trường chứng khoán Việt thời gian qua, nhà đầu tư và thị trường chắc hẳn có cơ sở để tin rằng họ lựa chọn các cổ phiếu để đưa vào danh mục không phải là ngẫu hứng mà đã có nghiên cứu kỹ lưỡng và “không phải dạng vừa đâu”!

Theo Cafef

COMMENTS

Các kênh liên lạc khác
Xin chào! Hãy liên lạc với chúng tôi ngay tại đây
Gọi cho chúng tôi