Giá dầu thế giới đạt mức cao nhất trong gần sáu tháng qua

Giá dầu gần đáy khi hàng số lượng hàng tồn kho của Mỹ tăng trở lại
Giá dầu tiếp tục giảm vào ngày 22/4 – Thị trường lo lắng trở lại mức 60 USD
Điểm tin quan trọng trên thị trường tài chính ngày 13/04 – OPEC đạt được thỏa thuận giảm sản xuất mang tính lịch sử

Ngày 22/4, giá dầu thô đã tăng hơn 2%, lên mức cao nhất trong gần 6 tháng qua do gia tăng các quan ngại về giảm nguồn cung dầu thô toàn cầu sau khi Mỹ thông báo chấm dứt cấp quy chế miễn trừ mua dầu của Iran.

Giá dầu Brent giao trong tương lai đã tăng 2,07 USD, tương đương 2,88%, lên mức 74,04 USD/thùng. Giao dịch cao nhất đạt 74,52 USD/thùng cũng là mức cao nhất kể từ ngày 1/11/2018.

Giá dầu giao dịch trên sàn West Texas Intermediate (WTI) tại Mỹ cho dầu thô giao trong tương lai cũng tăng 1,70 USD/thùng, tương đương 2,66%, lên mức 65,70 USD/thùng. Hợp đồng được chốt ở mức giá 65,92 USD/thùng là mức cao nhất kể từ ngày 31/10/2018.

Ngày 22/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định chấm dứt toàn bộ quy chế miễn trừ trừng phạt đối với tất cả 8 nước và vùng lãnh thổ được phép mua dầu thô của Iran mà không đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Dự kiến, các quy chế miễn trừ này sẽ hết hiệu lực vào tháng Năm tới.

Vào tháng 11/2018, Mỹ đã tái áp đặt trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Iran nhưng cấp quy chế miễn trừ cho 8 quốc gia và vùng lãnh thổ được phép tiếp tục mua dầu của Iran gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy và Hy Lạp. Các nước này được phép mua hạn chế dầu thô của Iran trong thời hạn 6 tháng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tin rằng Saudi Arabia và các nước OPEC khác có thể bù đắp được bất kỳ sụt giảm nào từ nguồn cung dầu thô của Iran.

Saudi Arabia cho biết sẽ phối hợp với các nước xuất khẩu dầu thô khác để bảo đảm nguồn cung dầu thô và cân bằng cung-cầu trên thị trường dầu thô thế giới.

Đánh giá về quyết định của Mỹ, nhà phân tích John Kilduff, một đối tác tại công ty Again Capital tại Mỹ, nhận định: “Các rủi ro về địa chính trị đang trở lại trong thị trường dầu thô. Hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, những quan tâm thương mại hợp pháp sẽ tránh mua dầu thô Iran. Xuất khẩu dầu thô của Iran sẽ giảm từ từ.”

Còn chuyên gia Jim Ritterbusch bày tỏ hy vọng: “Nói chung, chúng tôi kỳ vọng Saudi Arabia sẽ nâng sản lượng để giữ giá dầu Brent xung quang mức 75-76 USD/thùng.”

Cùng ngày 22/4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tái khẳng định mục tiêu của Washington là đưa xuất khẩu dầu thô của Iran xuống mức không và không có kế hoạch cấp tiếp quy chế miễn trừ sau ngày 1/5 tới.

Về phần mình, Iran tuyên bố quyết định của Mỹ về việc không cấp tiếp quy chế miễn trừ là “không có giá trị” nhưng Iran giữ mối quan hệ với các đối tác châu Âu và các nước láng giềng và sẽ “hành động một cách tương xứng.”

Trung Quốc và Ấn Độ là các quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Iran. Theo một nguồn tin nắm được thông tin trong đàm phán Mỹ-Ấn, Ấn Độ hy vọng Washington sẽ cho phép các đồng minh tiếp tục mua dầu của Iran thay vì chấm dứt toàn bộ việc mua dầu của Iran sau tháng 5/2019./.

(TTXVN)
Các kênh liên lạc khác
Xin chào! Hãy liên lạc với chúng tôi ngay tại đây
Gọi cho chúng tôi