Sáng 12.12, giá vàng miếng trong nước tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC được mua vào 60,6 triệu đồng/lượng và bán ra 61,4 triệu đồng/lượng. So với cuối tuần qua, SJC tăng 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 300.000 đồng ở chiều bán ra. Chênh lệch giữa giá mua và bán của SJC lên mức 800.000 đồng/lượng, cao hơn mức chênh lệch vào cuối tuần qua 100.000 đồng.
Giá vàng trong nước chốt một tuần tăng dù thế giới sụt giảm. Ảnh: Độc Lập
Giá vàng thế giới phiên cuối tuần ở mức 1.783,4 USD/ounce, giảm 10 USD so với cuối tuần qua. Kim loại quý tăng nhẹ phiên cuối tuần nhưng vẫn ghi nhận 4 tuần giảm liên tiếp. Quy đổi theo tỷ giá của ngân hàng Vietcombank, kim loại quý thế giới tương đương gần 49,7 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Trong khi giá vàng trên thị trường quốc tế đi xuống thì vàng miếng SJC lại gia tăng. Điều này đẩy giá vàng trong nước vẫn cao hơn thế giới 11,7 triệu đồng/lượng.
Trong tuần, giá vàng hầu như ít dao động nhưng đến phiên cuối tuần đi lên sau khi Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số CPI của Mỹ đã tăng 0,8% trong tháng 11, sau khi tăng 0,9% trong tháng 10. Kết quả đã vượt qua dự báo đồng thuận trước đó của các nhà kinh tế, với dự báo mức tăng 0,7%. Báo cáo cũng cho biết lạm phát tăng 6,8%, mức tăng lớn nhất trong 12 tháng kể từ giai đoạn kết thúc vào tháng 6.1982. Thông tin này đã góp phần hỗ trợ cho giá vàng vì đây được xem là tài sản phòng chống lạm phát.
Cuộc khảo sát về giá vàng tuần tới của Kitco News đã có 13 nhà phân tích tại Phố Wall tham gia thì khá bất ngờ khi quan điểm tăng giá và đi ngang bằng nhau. Cụ thể, số chuyên gia cho rằng giá vàng sẽ tăng và số người nhận định vàng đi ngang như nhau, chiếm 46% cho mỗi quan điểm. Còn 8% đưa ra ý kiến ngược lại khi dự báo kim loại quý sẽ giảm. Trong khi đó, có 1.039 nhà đầu tư cá nhân tham gia cuộc khảo sát trực tuyến trên Phố Main thì vẫn có đa số người dự báo giá sẽ tăng với tỷ lệ 53,6%. Còn lại có 23,9% nhà đầu tư cho rằng vàng sẽ giảm và 22,5% số người tham gia dự đoán nghĩ rằng kim loại quý đi ngang.
COMMENTS