CTCK Bản Việt (VCSC): Dự báo trong phiên giao dịch tới 11/07, thị trường tiếp tục giằng co vào đầu ngày trong đó VN30 sẽ chịu lực bán từ kháng cự MA5 còn VN-Midcap, VN-Smallcap và HNX-Index sẽ chịu lực bán khi tăng và chạm vào kháng cự MA10, MA20 ngày. Nhiều khả năng lực bán này sẽ tạo đà giảm cho chỉ số VN-Index để kiểm định lại hỗ trợ tại 1,160-1,170 điểm.
Nếu lực mua đủ mạnh vào cuối ngày giúp VN-Index duy trì đóng cửa trên mốc 1,175 điểm và các chỉ số đại diện nhóm vốn hóa và vừa nhỏ đóng cửa trên các đường MA10, MA20 ngày thì tín hiệu đầu tư ngắn hạn có thể sẽ xuất hiện ở một số phân khúc, đặc biệt là tài chính và bất động sản. Ngược lại, việc VN-Index đóng cửa dưới 1,160 điểm sẽ là một tín hiệu củng cố đà giảm về 1,080-1,100 điểm.
CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): Thị trường điều chỉnh trở lại trong tuần 04 – 08/07 sau khi thất bại trước ngưỡng tâm lý 1,200 điểm trong hai phiên đầu tuần. Điều này khiến cho áp lực bán gia tăng mạnh sau đó và khiến thị trường tạo đáy mới trong năm 2022 ở quanh ngưỡng 1,140 điểm. Lực cầu sau đó xuất hiện trong khi bên bán khá yếu đã giúp thị trường hồi phục trong hai phiên cuối tuần.
Tuy hồi phục về cuối tuần nhưng với thanh khoản suy yếu cho thấy tâm lý thị trường vẫn còn yếu, thiếu sự ổn định cho một sự hồi phục dài hơi của thị trường. Nên khả năng thị trường quay trở lại đà giảm trong tuần 11 – 15/07 là có thể xảy ra.
CTCK Ngân hàng Đông Á (DAS): Phiên tăng điểm nhẹ 08/07 góp phần hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư, tăng kỳ vọng thị trường tạo đáy, VN-Index có thể tiếp tục nhịp phục hồi trong tuần tới (11 – 15/07).
Nhà đầu tư có thể giải ngân từng phần tài khoản cho danh mục đầu tư ngắn và trung hạn, theo dõi các nhóm ngành bất động sản, xây dựng hạ tầng và khu công nghiệp trong kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ các biện pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong sáu tháng cuối năm nhằm mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
CTCK Mirae Asset Việt Nam (Mirae Asset): Hiện tượng hạn chế bán thấp đã xuất hiện khi VN-Index rơi về vùng 1,160. Lần đầu tiên là phiên ngày 23/06 khi VN-Index chạm mức thấp nhất tại 1,162, tiếp theo là phiên 07/07 khi chỉ số có lúc về sát 1,140.
Nhà đầu tư có thể hoảng loạn bán mạnh trong những phiên các cổ phiếu bluechip giảm mạnh nhưng phiên sau đó lực cung giá thấp đã không tiếp tục xuất hiện dù chỉ số đã xuyên thủng đáy cũ 1,156. Cạn cung là điều kiện cần thiết để chỉ số cân bằng và bắt đầu nhịp hồi phục. VN-Index đang có mức P/E là 13.0x.
CTCK Asean (Aseansc): Thị trường phiên 08/07 ghi nhận phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp dưới sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu dầu khí, chứng khoán, thép, bất động sản,… trong bối cảnh thanh khoản tăng khá nhưng vẫn thấp hơn trung bình 20 phiên. Điều này cho thấy sự mạnh lên của bên mua, và lan tỏa của dòng tiền. Do đó, khả năng thị trường sẽ tiếp tục có quán tính tăng điểm để hướng đến các vùng kháng cự cao hơn trong phiên giao dịch tới.
Dự báo trong phiên tới 11/07, chỉ số VN-Index sẽ có quán tính tăng điểm để kiểm định vùng kháng cự gần 1,175 – 1,180 điểm, và xa hơn là vùng kháng cự 1,185 – 1,190 điểm. Sự rung lắc có thể diễn ra ở vùng giá cao khiến VN-Index có thể sẽ thu hẹp đà tăng về phía cuối ngày.
CTCK KB Việt Nam (KBSV): VN-Index trải qua một nhịp rung lắc trong phiên trước khi sớm hồi phục và lấy lại phần lớn điểm số đã mất về cuối phiên.
Vùng cản gần quanh 1,18x, tương ứng với MA10, hiện đang gây áp lực lên đà hồi phục ngắn hạn của chỉ số. Mặc dù tín hiệu này để ngỏ rủi ro tiếp tục diễn biến rung lắc trong phiên đầu tuần 11/07, KBSV nghiêng về khả năng VN-Index sẽ tiếp tục hướng lên vùng cản kế tiếp quanh 1,200 trước khi chịu áp lực điều chỉnh rõ nét hơn.
Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi, chỉ mở mua trở lại quanh ngưỡng hỗ trợ đối với cổ phiếu mục tiêu nhưng cần khống chế tỷ trọng ở mức vừa phải, tương ứng với mức độ chấp nhận rủi ro.
COMMENTS