Ngày 10/01, ông Quyết đã bán ra gần 75 triệu cổ phiếu FLC nhưng không công bố dự kiến giao dịch (dự kiến bán 175 triệu cp từ 10/01 – 17/01). Thị trường chứng khoán Việt lập tức dậy sóng. Ông chủ FLC đối diện với một loạt biện pháp xử lý từ cơ quan chức năng. Ngày 11/01, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã quyết định hủy giao dịch trên và thực hiện hoàn tiền cho các tài khoản đối ứng. Cùng ngày, Bộ Tài chính ra quyết định phong tỏa các tài khoản chứng khoán đứng tên Trịnh Văn Quyết.
Quyết định chóng vánh của UBCKNN phần nào xoa dịu được làn sóng phẫn nộ về hành động bán chui của ông Quyết. Đây không phải là lần đầu tiên vị chủ tịch thực hiện bán chui cổ phiếu FLC (lần đầu vào năm 2017). Tuy nhiên, phản ứng khá nhanh, quyết liệt và cần thiết của UBCKNN lại phần nào chưa đủ, hoàn chỉnh khi không thể khắc phục hết thiệt hại.
Việc hủy bỏ chỉ liên quan đến giao dịch bán gần 75 triệu cổ phiếu của ông Quyết, các giao dịch khác liên quan tới mã FLC trong phiên 10/01 vẫn giữ nguyên dẫn tới một số hệ lụy nhất định. Thị trường chia làm 2 nhóm, các nhà đầu tư được hoàn tiền do có giao dịch đối ứng với ông Quyết trong phiên 10/01 và các nhà đầu tư không được hoàn tiền.
Nhóm được hoàn tiền thì hoàn hồn sau cú hết hồn. Nhóm thứ hai thì phải cam chịu nhìn cổ phiếu liên tiếp giảm sàn với thanh khoản cạn kiệt so với phiên trước đó. Điểm đáng nói, trước đó cả hai nhóm này đều giao dịch như nhau và không thể biết được hành vi bán chui của ông Quyết.
Mặt khác, nhiều nhà đầu tư giữ cổ phiếu không có khả năng cắt lỗ hay chốt lời FLC vì mã này rơi vào tình trạng “trắng bên mua”, gần như mất thanh khoản sau quyết định hủy giao dịch. Trước “đường đi” của vi phạm, dẫn tới các quyết định xử phạt của UBCKNN diễn ra quá nhanh, nhà đầu tư hầu như không kịp trở tay trước khi… trắng tay. Vậy, ai sẽ đền bù những thiệt hại kể trên cho nhà đầu tư?
Không bàn tới chất lượng cổ phiếu cũng như hành vi vi phạm của Chủ tịch FLC nhưng khi đã có tiền lệ nghĩa là trong tương lai, UBCKNN hoàn toàn có thể ban hành những quyết định tương tự. Nhà đầu tư giao dịch sẽ phải để tâm tới một rủi ro nữa là giao dịch bị hủy và cổ phiếu bị tác động sau đó như ở trường hợp FLC.
Điều này cũng sẽ khiến nhà đầu tư nước ngoài e ngại hơn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam vì lộ ra những rủi ro về pháp lý. Giao dịch thông suốt và được pháp luật bảo hộ là một trong yếu tố quan trọng đối với nhóm này.
Câu chuyện này cũng chỉ ra những điểm yếu của luật hiện hành. Mặc dù luật có những quy định xử phạt hành vi bán chui đối với người nội bộ và cổ đông lớn nhưng mức phạt lại chưa đủ tính răn đe. Nếu bán hết 175 triệu cp mà không công bố thông tin đúng luật, hành vi vi phạm của ông Quyết sẽ bị phạt 3 – 5% giá trị giao dịch, tương đương tối thiểu với hơn 50 tỷ đồng (tính giá trị giao dịch theo mệnh giá). Tuy nhiên, thực tế hành vi này có mức phạt kịch khung chỉ là 1.5 tỷ đồng vì có một điều khác trong luật quy định mức xử phạt tối đa.
Con số phạt 1.5 tỷ đồng ở trường hợp này quá nhỏ, nhẹ và… vô duyên! Bởi, tạm tính thì ông Quyết có thể thu về số tiền hơn 3,500 tỷ đồng nếu bán hết 175 triệu cp FLC với thị giá hơn 20,000 đồng/cp ở thời điểm đó. Bán chui để thu về hàng ngàn tỷ đồng mà chỉ chịu phạt từng đó tiền thì không những chẳng răn đe mà còn khuyến khích người vi phạm.
Điều đó cho thấy rằng để tránh trường hợp tương tự luật nên điều chỉnh lại cho phù hợp với hình phạt nặng, hợp lý hơn, có tác động phòng ngừa, ngăn chặn ngay từ đầu. Nếu mức phạt cao, nghiêm khắc, liệu còn ai dám bán chui?
Đơn cử tại Mỹ, Ủy ban Chứng khoán (SEC) đã thông qua luật vào năm 2013 nêu rõ các biện pháp trừng phạt dân sự và hình sự đối với giao dịch chui hoặc nội gián. Người vi phạm sẽ bị phạt hành chính gấp ba lần lãi (lỗ) từ giao dịch nội gián. Nếu một doanh nghiệp hoặc tổ chức vi phạm pháp luật, họ có thể bị phạt gấp ba lần số lãi (lỗ) mà doanh nghiệp hoặc tổ chức đó kiếm được thông qua các giao dịch nội gián.
Những người vi phạm cũng có thể phải đối mặt với các hình phạt hình sự trong nhiều trường hợp khác nhau. Theo đó, SEC quy định rằng người phạm tội sẽ phải đối mặt với án tù tối đa 20 năm, cũng như hình phạt 5 triệu USD đối với cá nhân và 25 triệu USD đối với công ty.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng có thể tham khảo một biện pháp khác là phong tỏa chứng khoán của người nội bộ, cổ đông lớn… và chỉ cho phép giao dịch khi họ đã thực hiện công bố thông tin đúng theo luật định. Nếu áp dụng cơ chế này trường hợp bán chui sẽ không còn nữa.
Tựu trung lại, để những trường hợp bán chui như Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết không xảy ra nữa luật và cơ chế quản lý là yếu tố then chốt. Sự nghiêm minh, chặt chẽ về luật pháp đi kèm với quản lý sát sao, minh bạch mới thật sự là cái nhà đầu tư cần và nó đủ bảo vệ họ; chứ không phải là một giải pháp tình huống.
COMMENTS