Kiểm tra thường xuyên các công trình vi phạm về phòng cháy, chữa cháy

Chung cư TECCO Tower Thanh Trì chưa được cấp phép vẫn rao bán tràn lan
Mua nhà trong dự án đang thế chấp ngân hàng: Người dân lo phát sốt, chuyên gia nói gì?
Hà Nội ngừng cấp điện, nước cho dự án Discovery Complex

Chung cư vào ở cả chục năm vẫn chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy (PCCC) – đây là tồn tại dai dẳng ở nhiều tòa chung cư cao tầng của Hà Nội khi đây đều là những tòa nhà có nguy cơ cao về cháy nổ. Hậu quả sẽ thế nào nếu xảy ra hỏa hoạn?

Theo Cảnh sát PCCC Hà Nội thì đầu năm 2017, Hà Nội còn 79 công trình chưa nghiệm thu PCCC, nhưng tính đến ngày 4-12, đã có 31 công trình khắc phục tồn tại và đã được nghiệm thu PCCC. Điều lo lắng nhất là Hà Nội hiện còn 26 công trình khó có khả năng khắc phục…

Chuyển hồ sơ sang CQĐT vì chủ đầu tư không hợp tác

Dạo một vòng quanh những tòa chung cư nằm trong danh sách 48 công trình chưa được nghiệm thu về PCCC, chúng tôi nhận được nhiều phản ánh của người dân.

Tại chung cư Cảnh sát 113 (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy), cư dân ở đây cho biết, họ vẫn chưa đồng thuận với phương án thi công đóng kín đường thang bộ và lắp đặt hệ thống tăng áp buồng thang bộ trục C-D mà chủ đầu tư (CĐT) đưa ra.

Theo Cảnh sát PCCC Hà Nội thì lý do cư dân phản đối là nếu xây dựng sẽ lấn một phần diện tích hành lang chung của các tầng, ảnh hưởng đến ánh sáng tự nhiên. Chính vì thế mà tòa nhà đi vào hoạt động 5 năm nay vẫn chưa nghiệm thu về PCCC, CĐT đã 4 lần bị xử phạt vi phạm hành chính vì thiếu những thiếu sót về PCCC.

 Một tòa chung cư tại phường Yên Hòa, Cầu Giấy hoạt động 5 năm nhưng chưa nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.

Một tòa chung cư tại phường Yên Hòa, Cầu Giấy hoạt động 5 năm nhưng chưa nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND ngày 4-12, Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Hướng dẫn và Chỉ đạo về phòng cháy (Cảnh sát PCCC Hà Nội) cho biết, ngoài chung cư Cảnh sát 113, Hà Nội còn 2 công trình người dân đang phản đối phương án khắc phục PCCC của CĐT là chung cư 46/230 Lạc Trung, quận Hai Bà Trưng và công trình No2A Sài Đồng.

Người dân sinh sống ở 2 tòa chung cư CT1, CT2 Nàng Hương (Văn Quán, Hà Đông) cũng kêu “trời” vì công trình đi vào hoạt động đã lâu nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC. Hai tòa chung cư này đều đã bị xử phạt vi phạm hành chính tới lần thứ 5, nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được những thiếu sót trong hệ thống PCCC.

Theo Đại tá Trần Văn Vụ thì năm 2017, Cảnh sát PCCC Hà Nội đã xử lý trên 4.000 trường hợp vi phạm với tổng tiền xử phạt gần 13 tỷ đồng, so với năm 2016 tiền phạt tăng gần 5 tỷ đồng.

Theo Đại tá Trần Văn Vụ thì ngoài các công trình vi phạm đã chuyển cơ quan CSĐT, Công an TP Hà Nội thì còn nhiều công trình vi phạm tồn tại dai dẳng, đã kiểm tra, xử lý, nhắc nhở khắc phục thiếu sót nhiều lần nhưng CĐT chây ỳ, không hợp tác.

Trong tháng 12, Cảnh sát PCCC Hà Nội tiếp tục chuyển 3 công trình vi phạm sang cơ quan CSĐT, Công an TP Hà Nội. Đó là công trình chung cư CT4 Văn Khê do Doanh nghiệp cổ phần Sông Đà 1 làm CĐT; chung cư CT5 AB và CT6 (phường La Khê, Hà Đông) do Doanh nghiệp cổ phần Hà Châu OSC làm CĐT.

Theo Đại tá Trần Văn Vụ thì 3 công trình này hệ thống PCCC gần như “tê liệt”, nguy cơ cháy rất cao, dân đang sinh sống rất nguy hiểm. Tuy nhiên CĐT không hợp tác, cố tình chây ỳ không thực hiện công tác khắc phục thiếu sót về PCCC.

“Chúng tôi đã xử phạt nhiều lần và đều phạt ở mức cao nhất rồi. Đây là một trong những biện pháp bắt buộc để CĐT phải thực hiện” – Đại tá Trần Văn Vụ cho biết.

Giải pháp nào cho 26 công trình khó có khả năng khắc phục PCCC

Đầu năm 2017, Hà Nội còn tới 79 công trình vi phạm về PCCC đều là những công trình có những tồn tại, thiếu sót chưa được nghiệm thu PCCC đã đưa vào hoạt động, có công trình tồn tại hơn chục năm.

Đến tháng 12-2017 có 31 công trình đã khắc phục tồn tại và đã được nghiệm thu PCCC. Hà Nội hiện còn 48 công trình vi phạm chưa được nghiệm thu, trong quá trình thi công đến nay, Cảnh sát PCCC đã kiểm tra 501 lượt, xử phạt 134 trường hợp, với số tiền trên 4 tỷ đồng. Đã đình chỉ hoạt động 6 công trình, 28 hạng mục công trình và đề xuất UBND TP Hà Nội và các quận, huyện, thị xã đình chỉ và tạm đình chỉ 16 công trình.

Lo lắng lớn nhất là trong 48 công trình còn tồn tại thì có tới 26 công trình khó có khả năng khắc phục, trong đó có 6 công trình của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên.

Theo Đại tá Trần Văn Vụ thì hiện nay CĐT đã, đang và tiếp tục tổ chức khắc phục. Trong đó có 7 công trình hoàn toàn có khả năng khắc phục. Qua đánh giá 48 công trình còn tồn tại, có 22 công trình hoàn toàn có khả năng khắc phục được và Cảnh sát PCCC Hà Nội đang hướng dẫn các đơn vị triển khai khắc phục thiếu sót để nghiệm thu PCCC.

Tuy nhiên, thời gian nào 22 công trình này khắc phục xong và nghiệm thu thì Cảnh sát PCCC Hà Nội và chính quyền các địa phương chưa có câu trả lời vì còn phụ thuộc vào sự tự giác cũng như kinh phí của CĐT.

Vấn đề đặt ra là 26 công trình khó có khả năng khắc phục sẽ như thế nào nếu cứ tiếp tục tồn tại và hậu quả khôn lường nếu như xảy ra cháy khi có hàng nghìn hộ dân đang sinh sống?

Đây đều là những công trình khó có khả năng đóng thang kín vì nó sẽ ảnh hưởng đến kết cấu công trình. Hơn nữa hệ thống thông gió, gió hút khói có khu vực cần triển khai rất khó khăn như thiếu thang, và việc khắc phục được là rất khó.

“Chúng tôi đang tham mưu cho thành phố thành lập tổ kiểm tra liên ngành để tiến hành kiểm tra thực trạng, khả năng khắc phục và sẽ có báo cáo UBND TP Hà Nội về khả năng khắc phục của các công trình này. Sau đó, thành phố sẽ có báo cáo lên Bộ Xây dựng, Bộ Công an xem xét chấp thuận một số giải pháp thay thế, giảm bớt tiêu chí theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành. Đây là giải pháp tối ưu nhất hiện nay với 26 công trình này”- Đại tá Trần Văn Vụ cho biết.

Giải pháp trước mắt cho 48 công trình vi phạm PCCC của Hà Nội vẫn là thường xuyên kiểm tra phát hiện các yếu tố mất an toàn để ngăn ngừa cháy. Tuy nhiên, “bà hỏa” thì không ai lường trước được và việc khắc phục thiếu sót PCCC để hoàn thiện nghiệm thu là yêu cầu số một mà các CĐT vi phạm cần phải khẩn trương thực hiện để tránh xảy ra thiệt hại về người và của nếu có hỏa hoạn xảy ra.

Theo Cafef

COMMENTS

Các kênh liên lạc khác
Xin chào! Hãy liên lạc với chúng tôi ngay tại đây
Gọi cho chúng tôi