Ký kết 12 hiệp định vay gần 1 tỷ USD, Thứ trưởng Bộ Tài chính đề nghị quản lý hiệu quả vốn vay nước ngoài

Bill Gross cảnh báo về sự sụp đổ của đồng tiền dự trữ quốc tế – USD
Jardine Cycle & Carriage nâng tỷ lệ sở hữu tại Vinamilk lên 10%, để ngỏ khả năng mua thêm
Chỉ số phát triển bền vững của VPBank tăng cao trong năm 2021

Ngày 5/1, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai chương trình công tác năm 2022.

Báo cáo tại hội nghị, bà Nguyễn Xuân Thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết, trong năm 2021, đơn vị tham mưu ký kết 12 hiệp định vay cụ thể với tổng trị giá 958,27 triệu USD, gồm 5 hiệp định vay với các tổ chức tài chính quốc tế đa phương, trị giá 785,67 triệu USD và 7 hiệp định vay, viện trợ với các đối tác song phương, trị giá 172,6 triệu USD.

Hoàn thành đàm phán hoặc trao đổi kỹ thuật về 11 hiệp định vay khác với trị giá 924 triệu USD.

Đồng thời, tham mưu trình Bộ Tài chính để sửa đổi, gia hạn đối với 22 thỏa thuận khung và vay cụ thể. Kết quả huy động vốn này thể hiện nỗ lực lớn của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Thông tin về quản lý giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, lãnh đạo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết, lũy kế giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài thuộc dự toán chi đầu tư công của ngân sách trung ương ước đạt 13.795,28 tỷ đồng, trong đó, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương đạt 8.236,86 tỷ đồng, giải ngân của các bộ, ngành trung ương là 5.558,42 tỷ đồng.

“Năm 2022, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cần phối hợp với các bộ, ngành để thúc đẩy giải ngân vốn đầu nguồn vốn vay nước ngoài, tháo gỡ vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương, chủ dự án. Đồng thời tập trung một số nhiệm vụ như đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các dự án đang sử dụng vốn vay ODA, rà soát để thanh toán trả nợ đúng hạn, nhất là nợ dự phòng…”.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà.

Trong bối cảnh tiến độ giải ngân năm 2021 thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là vốn đầu tư công nguồn vốn ngoài nước, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cố gắng triển khai nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy giải ngân.

Bên cạnh đó, công tác trả nợ nước ngoài được thực hiện kịp thời, đầy đủ và trong phạm vi dự toán được duyệt. Lũy kế trả nợ nước ngoài đến ngày 31/12/2021 là 64.760,81 tỷ đồng, đảm bảo 100% nghĩa vụ trả nợ trực tiếp và gián tiếp của Chính phủ.

Cùng với công tác quản lý nợ công, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cũng triển khai hiệu quả công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia và quảng bá với các tổ chức quốc tế về tình hình kinh tế vĩ mô – nợ công.

Trong bối cảnh năm 2021 có hơn 30 lượt quốc gia bị hạ bậc hệ số tín nhiệm, 25 lượt hạ triển vọng xuống “tiêu cực”, việc Việt Nam vẫn giữ vững được xếp hạng tín nhiệm và được cả ba tổ chức đánh giá xếp hạng tín nhiệm quốc gia nâng triển vọng lên mức “tích cực” thể hiện thế và lực mới của quốc gia.

Đồng thời cũng thể hiện nỗ lực của Cục trong việc chủ động phân tích, cập nhật, chia sẻ thông tin, tăng cường giải thích, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Chính phủ, tình hình kinh tế vĩ mô, ngân sách, nợ công…  

Ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, năm 2021, đơn vị thực hiện thanh toán đầy đủ, đúng hạn, kịp thời nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ và phối hợp tích cực với các bộ, ngành trong quản lý vốn viện trợ của Chính phủ Việt Nam cho Chính phủ các nước.

Đồng thời, phối hợp với các nước quản lý vốn viện trợ của nước ngoài cho Việt Nam, trong đó có viện trợ khẩn cấp vật tư thiết bị y tế cho công tác phòng chống dịch…

Đáng chú ý, “Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại tham mưu cho lãnh đạo bộ quản lý nợ công hiệu quả, bền vững, chỉ số nợ công/GDP, nợ Chính phủ/GDP cũng như hệ số thanh toán trả nợ trên ngân sách cải thiện so với năm ngoái. Điều này tạo ra dư địa cho chính sách tài khóa để có cơ hội tiếp tục thực hiện gói kích thích kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp”, Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Trần Xuân Hà yêu cầu Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cần tiếp thu để hoàn thiện, sửa đổi, khắc phục để quản lý vốn ODA, vốn vay nước ngoài hiệu quả, phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của Cục trong năm 2022.

COMMENTS

Các kênh liên lạc khác
Xin chào! Hãy liên lạc với chúng tôi ngay tại đây
Gọi cho chúng tôi