Hôm thứ Năm tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, bà tin rằng đã đến lúc ngừng mô tả lạm phát là “tạm thời”, và biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 có thể khiến tình trạng giá cả leo thang kéo dài. “Với biến thể mới Omicron, chúng ta có thể phải sống chung với đại dịch lâu hơn. Điều này có thể không kìm hãm các hoạt động kinh tế quá mức, nhưng sẽ ảnh hưởng đến hành vi của chúng ta, theo hướng làm gia tăng lạm phát”.
Quan điểm này của bà Yellen tương tự như tuyên bố được Chủ tịch Fed Jerome Powell đưa ra hồi đầu tuần về việc lạm phát sẽ không còn là vấn đề mang tính ngắn hạn. Người đứng đầu Fed nhận định: “Tại thời điểm này, nền kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ và áp lực lạm phát tăng cao. Do đó, theo quan điểm của tôi, việc cân nhắc cắt giảm quy mô chương trình mua trái phiếu có lẽ sẽ sớm hơn một vài tháng”. Ông Powell cũng tiết lộ vấn đề này có khả năng sẽ được đưa ra thảo luận tại cuộc họp chính sách tháng 12.
Trước đó, Fed từng cho rằng phần lớn lạm phát được thúc đẩy bởi tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng do những hạn chế liên quan đến dịch Covid-19. Theo các nhà hoạch định chính sách Mỹ, khi đại dịch dịu đi, những vấn đề này sẽ tự được giải quyết, mà không cần đến các biện pháp can thiệp mạnh tay như nâng lãi suất.
Tuy nhiên, theo New York Times, ngoài Bộ trưởng Tài chính Yellen và Chủ tịch Fed Jerome Powell, ngày càng nhiều quan chức trong ngành tài chính Mỹ bày tỏ mối quan ngại về việc lạm phát đang tỏ ra dai dẳng hơn so với dự kiến trước đây. Điều này được cho là có thể khiến Fed phải đẩy nhanh quá trình cắt giảm chương trình mua trái phiếu được triển khai trong thời kỳ đại dịch Covid-19.
Trong bài phát biểu cuối cùng trên cương vị Chủ tịch Fed, ông Randal Quarles cho biết, ông “chắc chắn sẽ ủng hộ việc kết thúc chương trình mua trái phiếu sớm hơn” so với kế hoạch ban đầu là tháng 6 năm sau. Theo ông Quarles, lạm phát gia tăng có thể không còn chỉ là câu chuyện tắc nghẽn chuỗi cung ứng nữa, và Fed cần phải phản ứng nhanh hơn để hạn chế nhu cầu.
Trong khi đó, bà Mary Daly, Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco cho biết, Fed có thể sẽ phải đẩy nhanh việc kết thúc chương trình mua trái phiếu và bắt đầu thiết lập một kế hoạch về việc tăng lãi suất, vốn đã ở mức gần bằng 0 kể từ khi đại dịch bùng phát. Theo bà Daly, Fed sẽ không rút hoàn toàn các sự hỗ trợ đối với nền kinh tế mà tiến hành giảm dần dần, trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang tiếp tục phục hồi.
Ông Raphael Bostic – Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta dự báo, lạm phát cao và thị trường lao động đang hồi phục sẽ tạo điều kiện để Fed chấm dứt việc mua trái phiếu vào cuối quí 1-2022. Ông cũng cho biết thêm, việc lạm phát tăng cao tới 4% trong năm tới, sẽ là thời điểm tốt để Fed bắt đầu tăng lãi suất.
Động thái của giới chức Mỹ được kỳ vọng sẽ tạo ra tác động lớn hơn, thúc đẩy các ngân hàng trung ương lớn khác như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) thay đổi quan điểm về lạm phát. Cả ECB và BOE đều sẽ có các cuộc họp chính sách quan trọng trong tháng 12, giữa lúc lạm phát đang tiếp tục gia tăng tại các nền kinh tế này.
Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy, sự thay đổi sẽ không sớm diễn ra đặc biệt là tại châu Âu, ngay cả khi lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã đạt mức cao kỷ lục 4,9% trong tháng 11, cao hơn gấp đôi so với mục tiêu 2% của ECB.
Phát biểu hôm 3-12, Chủ tịch ECB Christine Lagarde thừa nhận, “lạm phát tại Eurozone đã tăng mạnh trong ba quí vừa qua, và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân, đặc biệt là nhóm người có thu nhập thấp”. Tuy nhiên, bà cho rằng, lạm phát hiện đang đến mức cao trào, và rồi rốt cuộc sẽ giảm xuống. Vị lãnh đạo của ECB khẳng định: “Chúng tôi chắc chắn về quan điểm của mình, và tin tưởng rằng, lạm phát sẽ suy giảm trong năm 2022”.
Các chuyên gia phân tích đã chỉ ra rằng, những căng thẳng trên thị trường lao động là một trong những yếu tố chính thúc đẩy lạm phát cơ bản tại Mỹ lên mức 4,1%. Tuy nhiên, ở châu Âu lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Các số liệu thống kê cho thấy, đà tăng của lạm phát tại Eurozone chủ yếu được thúc đẩy bởi việc Đức tăng thuế và giá nhiên liệu tăng cao. Nếu loại bỏ các yếu tố này, lạm phát cơ bản chỉ ở mức 2,6% trong năm 2021 và 1,4% trong giai đoạn kéo dài hai năm.
Bên cạnh đó, tại châu Âu, các vấn đề như tỷ lệ thất nghiệp cao, thị trường lao động trì trệ hay tăng trưởng tiền lương – những điều kiện tiên quyết của tình trạng lạm phát kéo dài, cũng không trầm trọng như tại Mỹ. Theo ECB, đối với khu vực Eurozone, câu chuyện sẽ chỉ thay đổi rõ ràng hơn khi các công ty bắt đầu tăng lương cho người lao động. Chuyên gia kinh tế Anatoli Annenkov tại Societe Generale dự báo: “ECB có thể chờ đợi lâu hơn Fed, trước khi có sự thay đổi. Nếu chúng ta thấy lạm phát gia tăng bền vững hơn, với những dấu hiệu rõ ràng về áp lực tiền lương, khi đó ECB mới bắt đầu cảm thấy lo lắng”.
Nền kinh tế Eurozone hiện cũng mới chỉ quay trở lại mức trước đại dịch, chậm hơn hai quí so với nền kinh tế Mỹ, và do đó, vẫn còn rất nhiều công suất dự phòng. Do vậy, một nhà hoạch định chính sách của ECB cho biết: “Chúng tôi cần nhấn mạnh rằng, khu vực Eurozone đang ở trong một tình huống rất khác với nền kinh tế Mỹ về khoảng cách sản lượng. Không phải tôi không nhận thấy nguy cơ lạm phát vượt xa mức mục tiêu 2%, nhưng tôi cần thêm các dấu hiệu rõ ràng hơn, và chúng ta có đủ khả năng để chờ đợi”.
Tuy nhiên, một số chuyên gia tin rằng, sự thay đổi quan điểm có thể không còn quá xa vời. Ông Paul Hollingsworth – Trưởng nhóm Kinh tế châu Âu tại BNP Paribas Markets 360 cho biết: “Chúng tôi nhận thấy những dấu hiệu rõ ràng hơn về áp lực lạm phát tiềm ẩn. Điều này củng cố cho quan điểm của chúng tôi về việc cú sốc giá hiện tại sẽ ít mang tính tạm thời hơn ECB nghĩ”.
Trong khi đó, ông Carsten Brzeski – người đứng đầu mảng kinh tế vĩ mô toàn cầu tại ING Research cho rằng, ECB không nhất thiết phải loại bỏ cách mô tả “tạm thời” khi nói về lạm phát, nhưng nên đưa ra những thông điệp rõ ràng hơn về “các yếu tố ngắn hạn chỉ xảy ra một lần, và các yếu tố tiềm ẩn trong dài hạn có thể thúc đẩy lạm phát”.
Tương tự, ông Frederik Ducrozet – chiến lược gia tại Pictet Wealth Management cũng cho biết: “Tôi kỳ vọng ECB sẽ đưa ra dự báo lạm phát giảm trong năm 2022, nhưng đồng thời cũng sẽ nhấn mạnh tới những yếu tố rủi ro có thể ảnh hưởng đến triển vọng lạm phát”.
Còn tại Anh, BOE dường như vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ lập trường của mình. Phát biểu tại một sự kiện do Ngân hàng Barclays tổ chức, nhà hoạch định chính sách Catherine Mann thận trọng bày tỏ quan điểm: “Vẫn còn rất nhiều thông tin cần được làm rõ, đặc biệt là về biến thể Omicron, vì vậy vẫn còn quá sớm để nói về việc lạm phát sẽ kéo dài bao lâu”.
Dẫu vậy, một số nhà hoạch định chính sách cũng đã bày tỏ sự khó chịu về thuật ngữ “tạm thời”. Ông Huw Pill – nhà kinh tế trưởng mới của BOE cho biết: “Có thể hiểu được vì sao từ tạm thời đang vấp phải những phản ứng gay gắt, trong bối cảnh các diễn biến của lạm phát trong thời gian gần đây đã tạo ra nhiều thách thức đối với các dự báo lặp đi lặp lại của các ngân hàng trung ương”.
Không giống với khu vực Eurozone, lạm phát tại Anh hiện vẫn chưa đạt đỉnh, và được dự báo có thể tăng lên khoảng 5% trong quí 2-2022, từ mức 4,2% hồi tháng 10-2021 – mức cao nhất trong 10 năm qua.
Trước đó, BOE từng phát đi tín hiệu về việc, có thể nâng lãi suất trong những tháng tới, và một số chuyên gia kỳ vọng, cơ hội đầu tiên có thể diễn ra ngay trong cuộc họp chính sách tháng 12 này. Wouter Sturkenboom – chiến lược gia về đầu tư khu vực châu Âu – Trung Đông – châu Phi và châu Á – Thái Bình Dương tại quỹ đầu tư Northern Trust cho hay: “BOE đang nằm ở giữa so với Fed và ECB, và nhìn chung, tình hình của nền kinh tế Anh có phần gần với nền kinh tế Mỹ”.
Tuy nhiên, mọi sự thay đổi nếu có, của các ngân hàng trung ương, sẽ phụ thuộc nhiều vào những tác động từ biến thể Omicron lên nền kinh tế, yếu tố cho đến nay vẫn còn là một ẩn số.
Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, hiện vẫn còn quá sớm để nói rằng, Omicron sẽ tác động thế nào tới nền kinh tế. Bà lưu ý biến thể có thể làm rối loạn chuỗi cung ứng và làm tăng giá nhiên liệu, nhưng nếu đà tăng trưởng của nền kinh tế bị chậm lại, giá cả lại có thể sụt giảm xuống. “Vào thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn chưa thể chắc chắn được rằng, mối đe dọa đó sẽ lớn tới mức nào”.
Các chuyên gia dự báo, trong trường hợp nguy cơ mà biến thể này mang lại được chứng minh là nguy hiểm, nỗ lực tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương hoàn toàn có thể bị chệch hướng.
Chia sẻ với CNBC, chuyên gia phân tích Chris Grisanti của MAI Capital Management cho rằng, ngay cả khi giới chức Fed đã thay đổi quan điểm, việc thắt chặt chính sách tiền tệ có thể sẽ bị trì hoãn đáng kể nếu biến thể Omicron bắt đầu khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Ông khẳng định: “Nếu Omicron thực sự gây ra tác động tồi tệ như biến thể Delta, Fed sẽ không bắt đầu nâng lãi suất”. Chuyên gia này cũng nói thêm rằng, Fed đang phải đối diện với một đại dịch đang đột biến, và lạm phát là một tác dụng phụ của cuộc chiến này.
Tương tự, dịch bệnh cũng đang làm gia tăng những yếu tố bất ổn đối với nền kinh tế Anh, đồng nghĩa với việc BOE có thể phải trì hoãn việc gia tăng lãi suất ngay trong tháng 12 này. Ông Michael Saunders – một thành viên của Ủy ban Chính sách tiền tệ BOE vốn có quan điểm ủng hộ việc tăng lãi suất trong cuộc bỏ phiếu hồi tháng trước, cũng thừa nhận, cần chờ đợi thêm thông tin về những tác động tiềm tàng của biến thể mới đối với sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế.
Tuy vậy, vẫn không thể loại trừ khả năng sự thay đổi sẽ diễn ra ngay khi có những thông tin y tế tích cực. Chuyên gia kinh tế Dan Hanson của Bloomberg nhìn nhận: “BOE sẽ theo dõi chặt chẽ bất kỳ bằng chứng khoa học nào về mức độ hiệu quả của các loại vaccine hiện tại trong việc chống lại biến thể mới. Nếu có những tin tức khả quan, việc thắt chặt chính sách tiền tệ vẫn có thể xảy ra ngay trong tháng này”.
COMMENTS