* Hủy giao dịch bán chui FLC: Cần nhưng chưa đủ!
* Nước ngoài xử phạt vụ việc ‘bán chui’ cổ phiếu ra sao?
Mặc dù khía cạnh “bán chui” được truyền thông và mạng xã hội khai thác khá nhiều, gốc rễ của việc này lại nằm ở vấn đề khác đang khiến nhiều thị trường phát triển đau đầu.
Đó là việc CP của một số công ty được đẩy lên rất cao so với giá trị cơ bản, rồi sau đó cổ đông nội bộ sở hữu lượng lớn CP của công ty lại bán ra kiểu “xả hàng” khiến CP giảm giá mạnh.
Trong nhiều trường hợp ở nước ngoài gần đây, dù không “bán chui” mà “bán đúng quy trình”, một số CP nóng vẫn giảm giá gần 90% sau khi cổ đông nội bộ bán ra.
Một tình huống gây quan tâm nhiều là CP Peloton. Nhiều lãnh đạo cao cấp của công ty được kỳ vọng tạo ra sự “phá vỡ sáng tạo” trong lĩnh vực tập thể thao tại nhà này, đã bán ra lượng CP trị giá trên 500 triệu USD trước khi cổ phiếu này mất giá mạnh trên 80%.
Hầu hết CP này đã được đăng ký bán theo các kế hoạch giao dịch trước, thí dụ theo mẫu đơn 10b5-1 của Ủy ban chứng khoán và thị trường Mỹ (SEC). Điều này đã không tránh khỏi chỉ trích, cho rằng giới lãnh đạo công ty này đã xả hàng ở mức giá trên 120USD và giờ CP chỉ có giá chưa tới 29USD.
Trong năm 2021, CNBC ước tính CEO của các công ty niêm yết Mỹ đã bán ra tới 69 tỷ USD CP, trong đó có không ít “cổ thần” bán ngay gần đỉnh như các lãnh đạo của Peloton.
Sự bất cân xứng về thông tin giữa lãnh đạo cao cấp của công ty, lại sở hữu lượng lớn CP qua nhiều lần thưởng CP, quyền chọn mua CP, đang trở thành vấn đề của TTCK toàn cầu. Cho dù đăng ký bán từ trước và các quy định về giao dịch nội gián có chặt chẽ đến mức nào, không thể phủ nhận những “người nội bộ” này có lợi thế về thông tin hơn hẳn nhà đầu tư (NĐT) bên ngoài, nhất là NĐT nhỏ lẻ.
Quan trọng hơn, họ sở hữu lượng lớn CP với chi phí ban đầu rất thấp. Khi họ xả hàng, đặc biệt sau khi giá NĐT tăng nóng, sẽ luôn tạo ra rủi ro rất lớn cho NĐT.
Trong vài năm gần đây, giới quản lý thị trường lo ngại đang tồn tại một xu thế trên thị trường tài chính là lãnh đạo các công ty niêm yết không cố gắng tạo ra giá trị dài hạn cho công ty, mà chạy theo những chỉ tiêu ngắn hạn về doanh thu và lợi nhuận, đã đẩy mức lương thưởng của mình lên cao.
Khi tỷ lệ không nhỏ lương thưởng đó dưới dạng CP, họ còn có mục tiêu “tối đa hóa giá CP trong ngắn hạn”, rồi đăng ký bán CP kiếm tiền. Điều này khiến nhiều công ty niêm yết chỉ hướng đến các giá trị ngắn hạn, đồng thời khuyến khích các công ty hợp tác với một số môi giới, đội lái và tận dụng MXH để truyền đi những thông tin mờ mờ ảo ảo về triển vọng tăng trưởng nhanh, là công ty đi đầu về công nghệ…
Những kiểu thông tin có tính đầu cơ, tin đồn như vậy được lan truyền để đẩy giá CP lên và phù hợp với vài giai đoạn xả hàng của các lãnh đạo công ty, nhất là các công ty kiểu Thánh Gióng, giá CP từ chưa đầy 20USD lên thẳng hơn 170USD.
Có ý kiến cho rằng NĐT đã chấp nhận “chơi” những CP đầu cơ tăng bằng lần như vậy phải “có chơi, có chịu”, tức chấp nhận rủi ro giảm giá 80-90%. Quan điểm này đúng nhưng cũng cần nhìn nhận thêm.
Thứ nhất, luật công bố thông tin và cho phép đăng ký bán CP của người nội bộ cần chặt chẽ hơn. Thí dụ, SEC thừa nhận luật lệ hiện tại tạo điều kiện cho lãnh đạo công ty và người nội bộ khác lập nhiều kế hoạch mua bán CP trong năm, sau đó thoải mái bán hay mua CP dựa trên những lợi thế thông tin của mình mà không vi phạm, vì họ có thể viện dẫn rằng đã đăng ký giao dịch CP từ mấy tháng trước.
Các lãnh đạo này hoàn toàn biết trước được khoảng thời gian nào trong năm sẽ có tin tốt hay xấu, từ đó tính toán thời điểm đăng ký giao dịch trước phù hợp. Ngoài ra, sau khi đã đăng ký giai đoạn giao dịch rồi, họ có thể đăng ký chỉnh sửa khá dễ dàng.
Điều này đang thúc đẩy SEC thực hiện cải cách mới với những điều khoản buộc việc đăng ký giao dịch CP của người nội bộ phải đi kèm những điều kiện về thời gian cách nhau giữa những lần giao dịch dài hơn, cũng như làm cho việc chỉnh sửa kế hoạch giao dịch khó hơn.
Thứ hai, mức phạt của các hoạt động cố tình vi phạm quy định công bố thông tin cần mạnh tay hơn nữa với việc đăng ký mua bán CP của người nội bộ theo quy định, cũng như những loại công bố thông tin khác.
Ngoài ra, giảm bớt các hoạt động tạo ra bất cân xứng thông tin, như buộc những buổi gặp mặt với chuyên gia phân tích, các hoạt động gặp gỡ “NĐT VIP” cần được công bố thông tin công khai.
Ở Mỹ, Trung Quốc, những hoạt động có thể tạo ra sự không công bằng về mặt thông tin này bị giám sát chặt vẫn tạo ra nhiều vụ giao dịch nội gián, trong khi ở Việt Nam nó lại “quá thoải mái”. Khi thị trường chấp nhận những chuyện đó là bình thường, những người nội bộ sẵn sàng đạp lằn ranh đỏ để bán chui CP.
Tuy nhiên, trách nhiệm công bố thông tin dù gì vẫn trong khuôn khổ quan hệ dân sự của các cam kết và khế ước quản trị công ty. Trừ trường hợp lãnh đạo công ty cố tình công bố thông tin sai sự thật, đánh lừa NĐT như trường hợp của Enron hay gần đây là Theranos, việc chậm công bố thông tin hay công bố không đầy đủ chưa vượt qua giới hạn quan hệ dân sự trong khuôn khổ luật lệ của các nước đi trước.
Vì thế, NĐT có thể tức giận việc bán chui CP của lãnh đạo công ty, nhưng lạm dụng hình sự hóa quan hệ kinh tế không phải là con đường ưu việt. Một trong những giải pháp thay thế là cho phép cơ chế kiện tập thể.
Theo đó, tập thể NĐT có thể kiện lãnh đạo đã bán chui CP theo hình thức đại diện, và phán quyết chỉ trong 1 vụ kiện, thắng là tất cả NĐT đều thắng. Thí dụ, với vài chục ngàn NĐT kiện, mỗi NĐT đòi bồi thường 100 triệu đồng, các lãnh đạo công ty mới “biết sợ”. Giải pháp như vậy đã có tiền lệ ở nhiều nước và tốt hơn việc hình sự hóa các hoạt động kinh tế.
COMMENTS