Trên thế giới, mới chỉ có Tiểu vương quốc Dubai và Cộng hòa Estonia là hai quốc gia đầu tiên ứng dụng blockchain với quy mô chính phủ.
Bước đi táo bạo
Ngày 19/6, Đại diện chính phủ Lào đã ký biên bản ghi nhớ về việc sử dụng công nghệ blockchain vào quản lý nhà nước với Lina Network Corporation có trụ sở chính tại Zurich, Thụy Sỹ. Theo đó, chính phủ Lào sẽ áp dụng nền tảng công nghệ của Lina Group, chi nhánh Việt Nam của Lina Network, trong việc nghiên cứu và triển khai “Định danh điện tử (Digital Indentity) sử dụng blockchain”.
Việc ứng dụng định danh điện tử dựa trên blockchain dự kiến sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Chính phủ và người dân Lào trong lĩnh vực quản lý. Với những đặc tính đã được cả thế giới biết tới như chuẩn hóa, minh bạch, bất biến, an toàn và liên kết, blockchain sẽ giúp kiểm soát luồng dữ liệu cá nhân tuyệt đối, đảm bảo tính riêng cư cũng như quản lý danh tính và thông tin xác thực với ứng dụng đơn giản.
Chính phủ Lào và Lina Group sẽ hợp tác thành lập Viện Nghiên cứu Blockchain, trực thuộc sự quản lý và điều hành của Bộ Khoa học và Công nghệ Lào. Một trong những mục đích của cơ quan này là đào tạo chuyên sâu nguồn nhân lực trong lĩnh vực blockchain để đưa vào xây dựng ứng dụng và những sản phẩm mở rộng trong thực tế.
Ông Boviengkham Vongdara, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lào, nhấn mạnh: “Nếu biết ứng dụng cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vào đời sống, nó sẽ thay đổi toàn bộ nền kinh tế của một đất nước trong tương lai. Đây là điều mà chúng ta khó có thể phủ nhận được”.
Theo Bộ trưởng Vongdara, sau một thời gian nghiên cứu và xem xét nền tảng công nghệ cũng như giải pháp của Lina Group, Lào đã nghĩ đến việc xây dựng một mô hình mới mang tính đột phát trong quản lý dữ liệu nói chung.
“Viện nghiên cứu Blockchain sẽ là nơi tìm kiếm và bồi dưỡng nguồn nhân lực “chất xám” nói chung để xây dựng thêm thật nhiều ứng dụng khác nhằm nâng cao sự phát triển về mặt khoa học và công nghệ với quốc gia của chúng tôi”, ông Vongdara nhận định.
Lễ ký kết giữa đại diện Chính phủ Lào và Lina Group về phát triển blockchain cho chính phủ.
“Công nghệ blockchain hiện nay có thể số hóa dữ liệu một cách nhanh chóng, giúp cho dữ liệu có tính bảo mật cao và an toàn, đây là yếu tố mà chúng ta không thể phủ nhận”, ông Vũ Trường Ca, đồng sáng lập kiêm CEO của Lina Group nhấn mạnh.
Theo ông Ca, việc Lào phát triển Chính phủ blockchain sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia này. Thứ nhất, với một quốc gia có dân số nhỏ như Lào, việc áp dụng công nghệ blockchain sẽ thuận lợi hơn và có khả năng tiến hành tốt hơn so với các nước có dân số lớn. Với thành công của ứng dụng này, Lào sẽ có sản phẩm hiện đại để sử dụng.
Thứ hai, khi Lào đã triển khai thành công và nắm giữ công nghệ, các nước khác chắc chắn sẽ muốn tới để học hỏi, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Điều này sẽ mang về cho Lào ngoại tệ. Thứ ba, những lợi thế từ blockchain có thể giúp nào thúc đẩy các ngành nghề trong nước. Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các nước đều có xuất phát điểm không quá cách biệt và nước nào biết tận dụng công nghệ sẽ nhận lại trái ngọt.
Thách thức lớn
Trả lời câu hỏi của báo điện tử Trí Thức Trẻ, Bộ trưởng Boviengkham Vongdara cho biết thách thức lớn nhất với Lào trong việc tiếp nhận công nghệ mới chính là nguồn nhân lực. “Chúng tôi chuẩn bị nguồn nhân lực để có thể đáp ứng được những công việc mới. Sau khi có con người, chúng tôi sẽ tiếp tục chuẩn bị các bước khác về pháp lý cũng như quy định của pháp luật cho lĩnh vực này”, ông Boviengkham nhấn mạnh.
Ông Boviengkham Vongdara, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lào. Ảnh: Linh Anh
Tuy nhiên, Bộ trưởng Boviengkham cũng nhấn mạnh quyết tâm của Lào trong việc tiếp cận blockchain bởi đây là công nghệ mới, ra đời trong Cách mạng Công nghiệp 4.0 và có thể được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp, tới tài chính, ngân hàng cũng như y tế, giáo dục và quản lý nhà nước. Cùng với đó, blockchain sẽ giúp quản lý nhà nước trở nên minh bạch, hiệu quả và nhanh chóng.
“Lina Group là đơn vị đầu tiên mà chúng tôi ký kết biên bản ghi nhớ. Sau khi ký kết, chúng tôi sẽ thúc đẩy phát triển về nghiên cứu cũng như tiềm năng ứng dụng blockchain ở Lào. Trong thời gian này, Lào cũng sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực, chuyên gia và những người có kiến thức viêc IT để làm việc trong lĩnh vực blockchain trước khi phát triển sang các ứng dụng công nghệ khác có nhu cầu”, ông Boviengkham cho hay.
Nguồn: Tri thức trẻ
COMMENTS