Trước Ấn Độ, một loạt các nền kinh tế mới nổi khác gồm Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina cũng đã tăng lãi suất…
Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) ngày 6/6 có động thái tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2014, mở ra một chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế khởi sắc và áp lực lạm phát gia tăng.
Theo tin từ Bloomberg, lãi suất cơ bản đồng Rupee được RBI nâng 0,25 điểm phần trăm lên 6,25% từ mức 6% trước đó.
Trước Ấn Độ, một loạt các nền kinh tế mới nổi khác gồm Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina cũng đã tăng lãi suất khi thị trường tài chính các quốc gia này biến động mạnh do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất và đồng USD tăng giá mạnh. Gần đây, Thống đốc RBI Urjit Patel đã kêu gọi FED giãn tiến độ thắt chặt chính sách nhằm giúp các thị trường mới nổi có thể ứng phó với biến động.
RBI nói rằng biến động giá dầu và các diễn biến trên thị trường tài chính toàn cầu là những rủi ro buộc các nhà hoạch định chính sách phải duy trì cảnh giác.
Dầu là mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của Ấn Độ, nên giá dầu tăng không chỉ đe dọa đẩy lạm phát tăng mà còn có thể làm gia tăng thâm hụt thương mại vốn đã lớn của nước này, theo đó tăng sức ép mất giá lên đồng Rupee.
Tốc độ lạm phát ở Ấn Độ hiện đã ở trên mức mục tiêu trung hạn 4% mà RBI đặt ra. Ngân hàng trung ương này dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng 4,8-4,9% trong nửa đầu năm nay.
Ngoài ra, tăng trưởng GDP của Ấn Độ được RBI dự báo đạt 7,4% trong tài khóa kết thúc vào tháng 3/2019.
Ấn Độ không nằm ngoài biến động của các thị trường mới nổi thời gian qua do đồng USD tăng giá mạnh và lãi suất ở Mỹ tăng. Từ đầu năm đến nay, đồng Rupee đã mất giá 4,6% so với USD, trở thành đồng tiền mất giá mạnh nhất ở khu vực châu Á.
RBI đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ tỷ giá đồng nội tệ. Các đợt can thiệp vào thị trường ngoại hối đã khiến dự trữ ngoại hối của nước này giảm 14 tỷ USD.
Nguồn: VnEconomy
COMMENTS