Liên tục xuất hiện những tin xấu về lạm phát. Tại các nước giàu, tỉ lệ lạm phát hiện ở mức trên 9% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất kể từ thập niên 1980. Ở nhiều quốc gia, lòng tin của người tiêu dùng giờ thậm chí còn xuống thấp hơn cả giai đoạn đầu bùng phát COVID-19. Mọi chỉ số kinh tế theo “thời gian thực”, từ hoạt động mua bán nhà đất, chế tạo sản xuất đều cho thấy tăng trưởng kinh tế đang chậm lại đáng kể.
Biến động chỉ số giá tiêu dùng tới đây vì thế sẽ là câu hỏi quan trọng nhất đối với kinh tế toàn cầu. Nhiều nhà dự báo kỳ vọng lạm phát theo năm sẽ dịu lại, một phần là do giá hàng hóa đã tăng khá mạnh tính mốc theo năm. Đơn cử, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong báo cáo mới nhất nhận định lạm phát tại Mỹ sẽ giảm từ mức 5,2% trong năm nay xuống còn 2,6% thời điểm cuối năm 2023.
Tuy nhiên, độ biến thiên của lạm phát trong tương lai vẫn là điểm khó lường. Có một vài dấu hiệu cho thấy sẽ xuất hiện sức ép về giá trong tương lai gần. Cụ thể là bộ ba chỉ số phản ánh thực tế lạm phát tại các nước giàu sẽ không thể trở lại mức thấp như trước thời tiền đại dịch. Đó là tăng trưởng tiền lương, thu nhập; tăng kỳ vọng lạm phát ở cả người tiêu dùng và khối công ty, doanh nghiệp.
Có bằng chứng cho thấy nhân công, người lao động bắt đầu nêu yêu sách tăng lương, thu nhập. Điều này có thể tạo ra một vòng xoáy tăng giá mới, khi doanh nghiệp phải tìm cách đẩy chi phí tăng thêm này vào giá thành sản phẩm. Theo khảo sát của Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha, hơn một nửa các thỏa thuận về xử lý tranh chấp lao động-tiền lương ký cho năm 2023 đều có các “điều khoản phụ lục”, nêu rõ mức lương, thu nhập sẽ tự động được điều chỉnh theo lạm phát.
Tại Đức, nghiệp đoàn Metall đại diện quyền lợi cho người lao động trong ngành luyện kim, chế tạo cơ khí đã nêu yêu sách tăng lương 7-9% cho khoảng gần 4 triệu nhân công trong ngành. Còn tại Anh, công nhân ngành đường sắt tiến hành bãi công, đòi tăng thu nhập 7%. Những diễn biến này cho thấy tăng trưởng tiền lương, thu nhập sẽ còn là vấn đề nóng.
Yêu sách tăng thu nhập phần nào đó phản ánh tâm lý lo ngại lạm phát của người tiêu dùng và đây là nhân tố thứ hai khiến giá tiêu dùng khó có khả năng quay đầu giảm. Tại Mỹ, mức lạm phát kỳ vọng của người tiêu dùng trong tương lai gần đang tăng rất nhanh. Tại Canada, phần đông người tiêu dùng cho rằng lạm phát trong năm tới sẽ đạt 7%, mức cao nhất trong nhóm các nước giàu.
Nhân tố thứ ba liên quan đến lạm phát kỳ vọng của công ty, doanh nghiệp. Lạm phát kỳ vọng trong khối bán lẻ hiện đứng ở mức cao nhất mọi thời đại tại 1/3 các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). Khảo sát của Ngân hàng Trung ương Anh cho thấy giá quần áo cho bộ sưu tập thu-đông tới đây tại nước này dữ kiến sẽ tăng 7-10% so với năm trước. Theo khảo sát của Ngân hàng FED chi nhánh Dallas đối với giới doanh nghiệp cho thuê nhà đất, người tiêu dùng Mỹ ngày càng không chấp nhận mức giá tăng thêm nữa.
Hy vọng lớn nhất giúp kéo lùi lạm phát liên quan đến giá cả hàng hóa. Mức tăng nhanh về giá xe hơi, tủ lạnh… do đứt gãy chuỗi cung khiến lạm phát trong năm 2021 tăng vọt. Đã xuất hiện tín hiệu mới về đứt gãy được xoa dịu. Đơn cử, giá cước vận tải container đường biển từ cảng Thượng Hải đến cảng Los Angeles đã giảm khoảng 25% tại thời điểm tháng 3 vừa qua.
Giới bán lẻ trong nhiều tháng trước đây cũng đầu tư lớn cho tăng kho hàng dự trữ và giờ chuyển sang giảm giá bán để giải phóng kho. Tại Mỹ, sản xuất ô tô cuối cùng cũng đã lấy lại đà tăng trưởng, khiến giá ô tô cũ giảm sau thời gian tăng nóng trong năm 2021.
Về mặt lý thuyết, giá hàng hóa giảm giúp xoa dịu lạm phát leo thang tại các nước phát triển, góp phần tránh khủng hoảng chi phí đời sống, tạo cho ngân hàng trung ương có thêm dư địa trong điều hành chính sách và giúp thúc đẩy các thị trường tài chính. Nhưng với nhóm chỉ số đều đưa đến hồi quy về tăng giá trong tương lai, tiến trình hạ nhiệt lạm phát bị kéo dài. Sẽ không quá ngạc nhiên nếu giá tiêu dùng lại bùng phát ở một thời điểm nào đó.
COMMENTS