Kết phiên, chỉ số VN-Index tăng hơn 15 điểm, dừng tại 1,467.98 điểm, ghi nhận phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp. Chỉ số HNX-Index tăng 2.79 điểm, lên mốc 452.53 điểm và UPCoM-Index dừng tại 111.8 điểm, tương ứng tăng 0.45%.
Phiên giao dịch chiều thể hiện bộ mặt khác của nhóm ngân hàng khi chỉ còn 3 mã giảm điểm BAB, VPB và NVB. Ông lớn VCB kết phiên trong sắc xanh nhưng ấn tượng nhất là CTG khi tăng 2.27% và được khối ngoại mua ròng hơn 1.6 triệu cp.
Thông tin chính thức về việc CTG chốt quyền chia cổ tức tỷ lệ 8% (ngày GDKHQ là 14/12 tới đây) đã tác động tích cực lên cổ phiếu ngân hàng này. Đây cũng là điều mà thường thấy trên thị trường trong hơn 1 năm qua.
Trong phiên chiều, có thể nói rằng VIC đã “ghi thêm 1 bàn thắng” để góp công vào đà tăng của chỉ số chính trên thị trường. Theo đó, VIC đóng cửa tăng hơn 1%, trở thành mã ảnh hưởng lớn nhất chỉ số sàn HOSE.
Bên cạnh đó, MSN cũng kịp để lại dấu ấn khi tăng tốc trong gần cuối phiên, ghi nhận tăng 1.92%, lên mốc 154,000 đồng/cp, tiến sát lại ngưỡng kỷ lục đã thiết lập cách đây vài phiên.
Cũng không thể bỏ qua “phong độ” của nhóm chứng khoán chiều nay. Ngoại trừ VIG và EVS giảm điểm, WSS đứng giá thì còn lại đều bật tăng mạnh. SSI ghi nhận tăng đến 3.86%, TVB xấp xỉ 4% và VND còn tăng hơn 5%.
Khối ngoại cũng quay lại mùa ròng hơn 370 tỷ đồng, VIC, VHM và CTG là những mã được mua ròng mạnh nhất. Ngược lại, HPG vẫn bị bán ròng mạnh và kết phiên trong sắc đỏ.
Phiên giao dịch hôm nay sẽ trọn vẹn hơn nếu thanh khoản thị trường không bị kéo thấp xuống. Sàn HOSE chỉ đạt trên 19,400 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 2 tháng qua và ghi nhận phiên giảm thanh khoản thứ 5 liên tiếp. Tương tự thì sàn HNX cũng thấp nhất trong gần 2 tháng qua khi chỉ đạt 2,590 tỷ đồng.
VIC đảo chiều, góp sức đẩy chỉ số VN-Index bật tăng hơn 5 điểm khi phiên sáng khép như. Dù vậy, điều đáng lo ngại nhất vẫn là câu chuyện dòng tiền.
Kết phiên sáng, độ rộng thị trường đã có sự cải thiện đáng kể so với thời điểm mở cửa, trong đó đáng ghi nhận sự nỗ lực của khá nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn. Nổi bật là VIC đảo chiều để tăng trở lại, có vẻ như thông tin VinFast sẽ bàn giao lô xe ô tô điện VF e34 đầu tiên vào ngày 25/12/2021 đã củng cố cho đà tăng này. Sáng nay VIC cũng được khối ngoại mua ròng mạnh, ghi nhận 3 phiên mua ròng liên tục.
VHM cũng diễn biến tương tự khi kết phiên sáng tăng lên mốc 81,200 đồng/cp từ mức thấp nhất trong phiên tại 80,800 đồng/cp.
Ấn tượng nhất trong nhóm bất động sản chính là BCM khi tăng kịch trần. Việc BCM tăng trần nhiều khả năng là do nhà đầu tư kỳ vọng trước thông tin Tập đoàn LEGO đã có buổi ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Liên doanh TNHH Khu Công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) để xây dựng một nhà máy mới tại tỉnh Bình Dương trị giá 1 tỷ USD. Được biết VSIP chính là công ty liên kết của BCM (nắm giữ 49% vốn tại VSIP).
Nhóm bất động sản nhìn chung diễn biến tích cực hơn trong phiên sáng nay, nhiều ông lớn bất động sản nhà ở đều tăng giá như NVL, KDH, DXG,… Ngay cả NDN cũng tăng điểm dù có tin TGĐ bị bắt giam.
Trong khi đó, ngành ngân hàng tỏ ra hụt hơi với 8 mã giảm và 7 mã tăng, 4 mã đứng giá. EIB, CTG, HDB, TCH, STB là một trong những mã tăng nổi bật. Tuy nhiên sự suy yếu của VCB, ACB, BID, TPB khiến nhóm ngành này vẫn chịu sức ép giảm.
Cổ phiếu chứng khoán thì khá phân hóa, SSI, VCI, HCM giảm điểm trong khi VND, SHS, VIX tăng giá. Nhóm thép cũng vậy, “vua thép” HPG giảm điểm, ngược lại thì HSG, NKG đã tăng trở lại.
Một nỗi lo lớn trên thị trường lúc này chính là thanh khoản. Kết phiên sáng, chỉ gần 455 triệu cp được chuyển giao, tương ứng giá trị 12,550 tỷ đồng. Riêng sàn HOSE đạt 10,240 tỷ đồng, gồm cả giao dịch thỏa thuận. Thanh khoản thấp tiếp tục đặt ra câu hỏi là liệu rằng đà hồi phục có bền vững không?
VN-Index mở cửa mất hơn 5 điểm nhưng sau đó được kéo về gần tham chiếu. VCB và VIC là bộ đôi đè nặng lên thị trường.
VCB giảm hơn 1%, dứt 2 phiên tăng điểm trước đó. Sau khi chạm lại mốc 100,000 đồng/cp vào những phiên cuối tháng 11, giờ cổ phiếu vốn hóa lớn nhất ngành ngân hàng đang giao dịch ở 97,700 đồng/cp – vùng giá hỗ trợ cứng được VCB thiết lập kể từ đầu năm.
VIC cũng giảm hơn 1% nhưng so với mức đỉnh gần nhất thì cổ phiếu này cũng chỉ điều chỉnh nhẹ. Sáng nay có tin VinFast công bố sẽ chính thức bàn giao lô xe ô tô điện VF e34 đầu tiên cho khách hàng vào ngày 25/12/2021, sau khi đã hoàn thiện tất cả mọi quy trình, thủ tục và quá trình kiểm thử khắt khe. Đây là thông tin khá tích cực cho triển vọng kinh doanh của VIC.
Ở chiều giảm điểm, HPG cũng khiến giới đầu tư nặng lòng khi tiếp tục đỏ điểm đầu phiên. Việc các các doanh nghiệp trong nước đồng loạt điều chỉnh giảm giá thép có lẽ là yếu tố không thuận lợi lên ngành thép nói chung và HPG nói riêng. Hòa chung nhịp giảm có NKG, trong khi HSG và VIS, DTL đang đứng giá.
Đến 9h30, nhiều cổ phiếu mang tính đầu cơ như IDJ, LIC, MCG,… tiếp tục giảm sàn.
VN-Index đã hồi phục 2 phiên liên tiếp kể từ khi chạm đáy thấp nhất trong 1.5 tháng qua. Tuy nhiên, đà hồi phục này được giới phân tích đánh giá có dấu hiệu chững lại.
Khả năng này là hoàn toàn có thể khi xét ở góc độ dòng tiền, dù hồi phục nhưng 2 phiên gần đây thanh khoản ở mức thấp hơn trung bình 20 phiên cho thấy độ tin cậy chưa cao. Dữ liệu từ VietstockFinance cho thấy thanh khoản bình quân tháng 11 toàn thị trường đạt 40,000 tỷ đồng/phiên (đỉnh điểm có phiên gần 56,000 tỷ đồng).
Trên góc nhìn kỹ thuật, CTCk Aseansc chỉ ra đồ thị ngày VN-Index xuất hiện cây nến xanh nhỏ dạng ‘Doji’ tại vùng kháng cự 1,455–1,460 điểm, là tín hiệu khá tiêu cực. Tương tự, CTCK Mirae Asset cho rằng VN-Index tiếp tục duy trì sắc xanh đã giúp cho điểm số đánh giá kỹ thuật của VN-Index được cải thiện từ mức -6 điểm lên mức -4 điểm nhưng vẫn tiếp tục duy trì trạng thái đánh giá trong ngắn hạn là tiêu cực.
Ngoài ra, hôm nay cũng là phiên giao dịch “hàng về” cho những ai đã bắt đáy vào phiên 06/12, do đó áp lực chốt lời có thể xuất hiện.
Về măt thông tin, đây là khoảng thời gian thị trường rơi vào “vùng trũng” thông tin. Các thông tin được mong đợi nhất là kết quả kinh doanh của doanh nghiệp quý cuối năm nay.
COMMENTS