Hơn nửa tỷ người trên toàn cầu đã bị đẩy vào tình trạng nghèo cùng cực trong năm ngoái do phải tự trang trải chi phí y tế ở giai đoạn cao điểm của đại dịch Covid-19, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết trong một tuyên bố ngày 12/12.
Đại dịch đã gây gián đoạn dịch vụ y tế trên toàn cầu và gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ thập niên 1930, khiến việc trang trải chi phí y tế càng trở thành một gánh nặng lớn hơn đối với nhiều người, theo tuyên bố.
“Tất cả các chính phủ cần ngay lập tức nối lại và đẩy mạnh nỗ lực nhằm đảm bảo mỗi người dân của mình có thể tiếp cận với các dịch vụ y tế mà không phải lo sợ về hậu quả tài chính”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.
Ông Tedros hối thúc các chính phủ tăng cường chú trọng hệ thống y tế và giữ vững định hướng tiến tới bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân (UHC) – mục tiêu được WHO định nghĩa là mỗi người đều có thể tiếp cận với dịch vụ y tế mà họ cần mà không gây ra gánh nặng về tài chính.
Chăm sóc y tế là một vấn đề chính trị lớn ở Mỹ, một trong số ít những nước công nghiệp không có UHC. Trên phạm vi toàn cầu, đại dịch khiến công tác khám chữa bệnh trở nên khó khăn hơn và tỷ lệ tiêm chủng nói chung lần đầu tiên giảm trong 10 năm, trong khi số ca tử vong vì bệnh lao và sốt rét gia tăng.
Một báo cáo khác, do tổ chức World Inequality Lab thực hiện, cũng cho thấy những thách thức mà đại dịch gây ra cho người nghèo trên thế giới. Theo báo cáo này, Covid-19 đã làm gia tăng mạnh khoảng cách giàu nghèo.
Trong đó, đại dịch đã khiến khoảng 100 triệu người rơi vào cảnh nghèo cùng cực trong năm nay, nâng tổng số người nghèo cùng cực trên toàn cầu lên 711 triệu người. Trái lại, tổng tài sản của giới tỷ phú toàn cầu đã tăng thêm hơn 3,6 nghìn tỷ USD riêng trong năm 2020, nâng tỷ trọng của nhóm này trong tổng tài sản của hộ gia đình trên toàn cầu lên 3,5%.
Theo báo cáo, số người nghèo cùng cực trên toàn cầu có thể tăng mạnh hơn nếu các quốc gia phát triển không tung ra những gói kích cầu khổng lồ để chống lại ảnh hưởng tài chính của đại dịch.
“Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã làm trầm trọng thêm bất bình đẳng giữa tầng lớp siêu giàu và phần còn lại của dân số thế giới”, trưởng nhóm tác giả của báo cáo phát biểu. “Tại các nước giàu, chính phủ đã can thiệp để ngăn sự gia tăng mạnh mẽ của số người nghèo. Nhưng tại các nước nghèo, câu chuyện lại không phải là như vậy”.
Số liệu mà báo cáo đưa ra cho thấy trong năm nay, nhóm 10% dân số giàu nhất thế giới năm 76% tổng tài sản hộ gia đình trên toàn cầu. Ngược lại, nhóm 50% nghèo nhất chỉ nắm 2% tổng tài sản. Nhóm 40% ở giữa năm 22%.
Nói về thu nhập, nhóm 10% thu nhập cao nhất chiếm 52% tổng thu nhập toàn cầu, còn nhóm 50% thu nhập thấp nhất chỉ chiếm 8%. Nhóm 40% ở giữa chiếm 39%.
Cũng theo báo cáo, top 1% giàu nhất thế giới chiếm 38% tổng thu nhập tăng thêm trên toàn cầu trong thời gian từ 1995-2021, trong khi nhóm 50% nghèo nhất chỉ chiếm 2%. Trong năm 2020, thu nhập bình quân của mỗi người trong top 10% giàu nhất thế giới cao gấp 38 lần so với của nhóm 50% nghèo nhất.
Tài sản của giới giàu tăng với tốc độ từ 3-9% mỗi năm trong khoảng thời gian trên, trong khi nhóm 50% nghèo nhất chứng kiến tài sản tăng chỉ 3-4% mỗi năm. Do tài sản của người nghèo là rất khiêm tốn, nên giá trị tăng thêm vì thế cũng ít.
COMMENTS