Doanhnhansaigon – Từ một nhân viên checker vươn lên vị trí phó tổng giám đốc một hãng taxi tên tuổi, năm 2010, ông quyết định thành lập doanh nghiệp (DN) để thực hiện ý tưởng kinh doanh riêng. Ông là Nguyễn Tuấn Mùi – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Vận tải Sài Gòn.
* Được xem là “sinh sau đẻ muộn”, DN của ông làm thế nào để cạnh tranh với các hãng taxi đã nổi tiếng từ lâu?
– Tôi chọn phân khúc giá rẻ để định vị thương hiệu. Vào thời điểm 2010, TP.HCM không cho phép mở thêm hãng taxi mới, tôi lui về Đồng Nai phục vụ thị trường Đông Nam Bộ. Đó là quyết định đúng bởi ở TP.HCM chúng tôi chưa thể cạnh tranh được với các hãng lớn như Mai Linh, Vinasun… Đến nay, Vận tải Sài Gòn đã hoạt động được 10 năm trong lĩnh vực vận tải hành khách theo mô hình tập đoàn với tên gọi quen thuộc Saigontaxi Group. Chúng tôi có 5.000 cán bộ, công nhân viên làm việc ở 10 tỉnh – thành.
* Như vậy là ông đã có một khởi đầu kinh doanh khá hoàn hảo…
– Ngược lại, giai đoạn đầu rất chật vật. Ý tưởng là một chuyện nhưng để thực hiện được ý tưởng kinh doanh taxi giá rẻ là cả một bài toán khó. Muốn có dịch vụ giá rẻ phải có đầu vào thấp, chi phí thấp mới bán giá rẻ được. Tôi thì lại khởi nghiệp trong bối cảnh hầu như không có tiền, không tài sản, không công nghệ. Thứ may mắn có được là kinh nghiệm điều hành hoạt động tại một hãng taxi lớn, môi trường làm việc chuyên nghiệp cộng với quyết tâm của người lính nhiều năm trong quân ngũ.
* Cụ thể ông xoay xở bằng cách nào?
– Đem những trăn trở tìm đến anh Trần Bá Dương – Chủ tịch Công ty Ô tô Trường Hải (THACO). May mắn là anh Dương chấp thuận phương án kinh doanh của tôi, đồng ý bán giá thấp 200 chiếc xe Kia Morning và cho nợ 30% vốn đối ứng (70% còn lại thế chấp xe vay tiền ngân hàng). Có xe rồi, tôi lại vận động các hãng thiết bị bán chịu để lắp đặt đồng hồ, phương tiện, tổng đài… Về cơ bản, tôi chỉ phải đóng thuế trước bạ và phí kiểm định xe. Tuy nhiên áp lực lớn nhất khi đó là trả lãi tiền vay ngân hàng. Tôi khởi nghiệp trúng thời kỳ kinh tế suy thoái, lãi suất ngân hàng cao ngất ngưởng (27-28%/năm), vay ngoài lãi tới 40%/năm. Mãi tới cuối năm 2012, cơn sốt lãi suất mới dần hạ nhiệt.
* Có điều gì đáng nói khi Saigontaxi Group vượt qua cơn khủng hoảng tài chính?
– Sự thật lúc ấy gói gọn trong bốn chữ “khó khăn tứ bề”. Từ bộ máy quản lý cho đến nhân sự, đào tạo đội ngũ lái xe, rồi giải quyết nợ nần, lương bổng, bảo hiểm… Thôi thì đủ mọi thứ gọi tên “tiền”. Nhưng vận may lại mỉm cười với tôi vào chính vào lúc đó nhờ lựa chọn phân khúc phù hợp với nhu cầu của khách hàng và phát triển thương hiệu ở những địa bàn ít cạnh tranh. Cứ như vậy chúng tôi chiếm lĩnh thị trường từng bước một, chắc chắn, hiệu quả. Ngay sau khi gây dựng DN ở Đồng Nai, tôi chuyển hướng phát triển sang Bình Dương rồi đến Cần Thơ, Côn Đảo, Kiên Giang, Phú Quốc, Bình Định. Lúc đã vững vàng ở các vùng lân cận, tôi quyết định quay về Sài Gòn mua lại một hãng taxi để cạnh tranh công bằng với các “ông lớn” trong “làng taxi”.
Vào thời điểm DN đạt được thành tựu tương đối chắc chắn, kinh doanh bước vào thời kỳ khởi sắc thì “cơn bão giá” mà tôi gọi là “cuộc khủng hoảng kinh tế lần thứ hai trong sự nghiệp kinh doanh” ập đến. Đó là lúc Nhà nước cho phép taxi công nghệ hoạt động thử nghiệm. Uber và Grab “làm mưa làm gió” khiến thị trường vận tải taxi truyền thống điêu đứng. Trong khi các hãng taxi truyền thống bị ràng buộc bởi nhiều cơ chế thì Uber và Grab gần như không chịu chế tài nào. Ban đầu, doanh số ở các thị trường lớn như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương sụt giảm nghiêm trọng khiến tôi mất ăn mất ngủ tìm phương án ứng phó. Qua một thời gian trải nghiệm taxi công nghệ, khách hàng dần quay trở lại, bởi Saigontaxi Group luôn đảm bảo yếu tố cạnh tranh về giá cả và chất lượng phục vụ. Tôi lần nữa thoát hiểm nhờ vào thương hiệu “giá rẻ”.
* Cho dù là sự lựa chọn khôn ngoan cộng thêm cả yếu tố may mắn thì quy luật kinh doanh về cơ bản vẫn tuân thủ nguyên tắc “lợi ích tỷ lệ thuận với giá trị đầu tư”…
– Tôi đặt ra hai tiêu chí yêu cầu các thành viên ban giám đốc phải thực hiện bằng được, đó là luôn luôn hướng vào khách hàng và luôn luôn hướng vào người lao động. Đó cũng chính là tiền đề quan trọng để đạt được ba lợi ích: lợi ích của khách hàng, lợi ích của người lao động và lợi ích của DN. Thế kiềng ba chân đã giúp tôi trụ vững ngay ở thời kỳ cam go nhất, đó là lần thứ ba trong sự nghiệp kinh doanh của tôi, đồng thời cũng là cuộc khủng hoảng chung của các DN khi phải gánh chịu hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19. Giờ ngẫm lại, tôi cảm ơn môi trường quân đội đã rèn luyện cho tôi có đủ sức khỏe, bản lĩnh và ý chí để vượt qua những trở ngại trong cuộc đời, trong những điều kiện kinh doanh khắc nghiệt.
Theo tôi thì mỗi doanh nhân cần phải có tinh thần thép để sẵn sàng chống chọi với khó khăn, biến cố trong kinh doanh mà chắc chắn có lúc phải đương đầu. Phải biết chấp nhận, hy sinh lợi ích của bản thân, của DN để giữ mục tiêu lớn hơn là lợi ích của xã hội, của cộng đồng. Nền tảng quan trọng này sẽ góp phần làm nên giá trị trường tồn cho DN. Trong kinh doanh, phát triển sự nghiệp, mỗi con người luôn có những điểm sáng mà đôi khi nó không phụ thuộc vào quy luật.
* Ông bảo rằng: “Doanh nhân không chỉ kiếm tiền cho bản thân mình”. Nói thẳng, nghe có vẻ lý thuyết. Ông có thể cắt nghĩa điều đó để những người khởi nghiệp trẻ tuổi có thêm gợi ý mà chiêm nghiệm khi theo đuổi ước mơ kinh doanh.
– Tôi luôn trân trọng những người đóng góp trí tuệ, sức lao động cho DN của mình lớn mạnh. Vì vậy, phải đối đãi với họ bằng tấm lòng và sự chu đáo trong cuộc sống; bằng cách ứng xử công bằng, minh bạch trong công việc. Tôi rất cảm kích khi dịch bệnh Covid-19 kéo dài, hoạt động đình đốn, hàng nghìn lái xe thiếu việc làm nhưng chính họ và đội ngũ cán bộ, nhân viên của Saigontaxi Group lại tự nguyện giảm lương, có bộ phận tự động giảm tới 50% lương để ủng hộ DN vượt qua đại dịch. Hành động của họ khiến tôi áy náy bởi thấy mình chưa hoàn thành trách nhiệm, nên chỉ xin nhận tấm lòng mà không cắt giảm đồng lương nào. Tôi thấm thía một điều: Phía sau họ là gia đình. Nếu là doanh nhân, những lúc như vậy bạn lo kiếm tiền vì cái gì? Kiếm tiền cho ai? Cho bản thân hay cho cuộc sống hàng nghìn con người đang trông chờ vào bạn? Doanh nhân không chỉ kiếm tiền cho bản thân mà có trách nhiệm lớn lao hơn thế. Họ nhiều khi không đủ thời gian để ăn, để ngủ, để hưởng thụ thành quả lao động do bàn tay, khối óc của họ làm nên. Như vậy thì đâu phải họ chỉ kiếm tiền cho bản thân.
* Tổn thất tiền bạc, tinh thần là điều không tránh khỏi với mọi DN trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài. Ông có thể cho biết phương án khắc phục khó khăn ở thời điểm hiện tại của Saigontaxi Group.
– Chỉ riêng hai tháng ở giai đoạn 1 của dịch Covid-19, ước tính thiệt hại của chúng tôi khoảng 60-70 tỷ đồng do xe không kinh doanh được. Nếu tính từ đầu năm 2020 đến nay và kéo dài hơn nữa thì thiệt hại không thể đong đếm được. Rất nhiều DN đã phá sản. Chúng tôi cố gắng cầm cự và hy vọng dịch bệnh qua nhanh. Đặc thù của kinh doanh vận tải phụ thuộc vào khách hàng. Nhu cầu đi lại của người dân rất hạn chế trong mùa dịch thì không thể đem phương án này, phương án nọ ra bàn chuyện khắc phục. Cái chính là làm thế nào vượt qua mùa dịch, biện pháp nào đảm bảo sức khỏe, sự an toàn cho đội ngũ nhân viên, cho tài xế trước nguy cơ dịch bệnh.
* Ông có kế hoạch chuyển hướng kinh doanh hoặc phát triển sang lĩnh vực mới?
– Không phải lúc khó khăn này mới nghĩ tới điều đó mà ngay khi thành lập DN, tôi đã hướng sự phát triển tới tập đoàn kinh tế đa ngành nghề. Vấn đề còn lại là thời cơ và thời điểm. Cũng phải nói rằng, chưa bao giờ đất nước Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển như giai đoạn này khi nền kinh tế phẳng đang dần chiếm ưu thế, tinh thần hội nhập được nâng cao, lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do đem lại là thực tế, đặc biệt EVFTA mới có hiệu lực nhưng chắc chắn sẽ sớm đi vào đời sống, đáp ứng nhu cầu phát triển của DN. Một số lĩnh vực nằm trong định hướng phát triển của Saigontaxi Group là bất động sản, xây dựng và phát triển năng lượng sạch. Tôi tin chúng tôi sẽ thực hiện được kế hoạch kinh doanh ấy, nhưng chưa phải năm nay và trong lúc này.
* Tâm thế của người đứng đầu luôn có sức ảnh hưởng lớn đối với thành viên trong DN. Saigontaxi Group trong 10 năm qua đóng góp nhiều cho công tác xã hội – từ thiện. Ông có thể chia sẽ đôi điều về các chương trình đó?
– Ngay tại thời điểm khó khăn này, Saigontaxi Group vẫn tìm mọi cách chăm lo người lao động với mức hỗ trợ tối thiểu 1 triệu đồng tiền mặt/người/tháng (ngoài lương) cộng với gạo và các mặt hàng sinh hoạt thiết yếu (điều này đặc biệt cần thiết với đội ngũ lái xe). Giản dị và thực tế như bản thân mỗi con người trong đại gia đình Saigontaxi Group, chúng tôi cùng nắm tay, tiếp sức cho nhau vượt qua đại dịch. Chúng tôi tự hào mà nói rằng, cho đến thời điểm này, Saigontaxi Group chưa để bất cứ nhân viên nào phải nghỉ việc, cũng không có thành viên nào muốn rời bỏ đội ngũ. Khó khăn, thử thách kết chặt chúng tôi thành một khối thống nhất, đồng tâm hiệp lực, chia ngọt sẻ bùi.
Chúng tôi cùng chung tay đóng góp công sức và lợi nhuận từ kinh doanh để hỗ trợ cho đồng đội, những người kém may mắn, những mảnh đời bất hạnh. Hơn 50 căn nhà tình nghĩa, hàng trăm tấn gạo, nhu yếu phẩm, quà Tết, học bổng đã trao tới tay những người cần nhận. Làm được chút gì đó đem đến niềm vui cho người khác, tôi thấy mình hạnh phúc.
* Thành tích trong kinh doanh và hoạt động xã hội được tôn vinh bằng sự ghi nhận của cộng đồng, các cơ quan, tổ chức. Cảm nhận của cá nhân ông như thế nào?
– Tôi xem đó như sự tri ân của DN mình đối với công cuộc phát triển kinh tế ở các địa phương – nơi Saigontaxi Group có mặt. Được góp phần công sức nhỏ bé vào sự nghiệp dân giàu nước mạnh là niềm hạnh phúc lớn lao với bất kỳ ai có trách nhiệm đối với quê hương, với đất nước. Mười năm xây dựng DN là 10 năm liên tục chúng tôi nhận được cờ thi đưa xuất sắc UBND tỉnh Đồng Nai, nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành. Đặc biệt Saigontaxi Group chưa bao giờ nợ thuế, nợ bảo hiểm. Từ thiện là việc nên làm và cần làm. Cái thiện đó bắt nguồn từ tâm (thiện tại tâm) càng đáng quý hơn. Đồng tiền làm ra để sẻ chia đúng lúc, đúng chỗ thì đồng tiền đó đáng quý và có ý nghĩa vô cùng.