Ông Trương Tiến Dũng – Tổng giám đốc Công ty CP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn: “Bán hàng là bán cái tâm mình trước”

Ông chủ Nanogen – Doanh nghiệp Việt kín tiếng đầu tiên thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Covid-19 là ai?
Những người thành công làm gì khi gần hết tiền?
Quan niệm sai lầm nhất về việc trở nên giàu có -Tỷ phú Mark Cuban

Không chỉ vực dậy một doanh nghiệp (DN) đang “chết lâm sàng” mà Tổng giám đốc Công ty CP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (APT) còn nỗ lực đưa sản phẩm mang thương hiệu APT tham gia vào EVFTA với các “ông lớn” trong ngành chế biến thực phẩm của thế giới. Trò chuyện với doanh nhân Trương Tiến Dũng, ông luôn tâm niệm: “Mục tiêu lớn nhất của DN ngành chế biến thực phẩm là chăm lo, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, góp phần cải tạo tầm vóc người Việt”.

* Vấn đề lớn nhất mà DN của ông gặp phải lúc đứng bên bờ vực phá sản là gì?  

– Tôi về APT vào cuối năm 2009, lúc đó công ty đang đối mặt với nguy cơ phá sản, khách hàng hủy hợp đồng, sản xuất, kinh doanh đình đốn, người lao động hoang mang. APT là một DN nhà nước (thành lập 1976) chuyển sang công ty cổ phần năm 2007, rồi nợ nần chồng chất. Tình trạng khi đó chỉ có thể nói rằng “tan tác từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới”. Hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc mới phải xây dựng lại APT từ đầu. Đến hôm nay, công ty đã có vốn điều lệ 88 tỷ đồng (vốn nhà nước chiếm 30%), doanh thu 400 tỷ đồng/năm với trên 150 mặt hàng thủy, hải sản chế biến phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu. APT còn là thành viên của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn TNHH một thành viên (SATRA), thành viên Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thành viên Hội Lương thực – Thực phẩm TP.HCM (FFA)…

anh-1-8230-1599810532.jpg

* Ông có thể cho biết nguyên nhân dẫn đến kết quả ấy?

– Đó là đoàn kết nội bộ, lắng nghe tâm tư của người lao động, phát huy sức mạnh tập thể, phát huy sáng kiến trong việc thay đổi mô hình, phương thức kinh doanh, mở rộng sản xuất để tạo ra sản phẩm mới có tính cạnh tranh cao, đem lại lợi nhuận cho công ty. Với thế mạnh hoạt động trên 40 năm trong ngành thủy, hải sản, APT không ngừng mang đến cho người tiêu dùng trong và ngoài nước những dòng sản phẩm chất lượng cao, an toàn từ nguồn nguyên liệu đến chế biến với tiêu chí bảo vệ sức khỏe cộng đồng, góp phần thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế đất nước. Nhiều năm trở lại đây, sản phẩm của APT đã được người tiêu dùng bình chọn là “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, “Hàng Việt Nam chất lượng cao – chuẩn hội nhập”, “Sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu của TP.HCM năm 2017, 2019” và đoạt giải thưởng “Sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt tiêu biểu”. Về cơ bản, APT đã đạt được các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận đề ra, đảm bảo việc làm cho người lao động với thu nhập năm sau cao hơn năm trước. Nhiều mặt hàng của công ty đã xuất khẩu vào những thị trường khó tính như Nhật Bản, EU và trở thành thương hiệu quen thuộc đối với người tiêu dùng trong nước.

* Ông được xem là một trong những doanh nhân thế hệ 7X dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước vận mệnh của DN. Theo ông, nhà quản lý DN cần phải có những tố chất nào?

– Theo tôi, quản trị DN bất luận bằng phương pháp nào, nếu thành công thì phải đạt được hiệu quả sản xuất, kinh doanh cụ thể. Trách nhiệm của người đứng đầu là phải có chiến lược kinh doanh sát đúng, nắm bắt, dự báo thông tin thị trường kịp thời để có quyết sách, định hướng phù hợp với nguồn lực DN. Người đứng đầu DN phải tìm kiếm cơ hội, khai thác lợi thế, linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh và bắt kịp xu thế thị trường. Nhà quản lý phải biết sử dụng các công cụ phù hợp để quản trị tài chính chặt chẽ, có số liệu chính xác nhằm đảm bảo nguồn lực cho các kế hoạch kinh doanh hiệu quả.

anh-3-9509-1599810533.jpg

* Lấy an toàn vệ sinh và chất lượng sản phẩm làm tiêu chí hàng đầu trong mọi quy trình sản xuất, ông cho rằng đây là trách nhiệm lớn nhất của DN ngành chế biến thực phẩm?

– Thực tế là như vậy, mục tiêu lớn nhất của DN ngành chế biến thực phẩm là chăm lo, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, góp phần cải tạo tầm vóc người Việt. Trước đây và ngay cả bây giờ vẫn còn một số DN chỉ trú trọng vào việc làm hàng xuất khẩu. Cái gì ngon, cái gì tốt thì đem xuất khẩu, nguyên liệu tầm tầm hoặc không đủ tiêu chuẩn xuất đi thì làm hàng bán trong nước. Quan điểm của tôi là bất kể trong hay ngoài nước, người tiêu dùng phải được tôn trọng và đối xử bình đẳng. Phải làm thay đổi nhận thức về trách nhiệm của nhà sản xuất đối với người tiêu dùng. Thậm chí phải ưu tiên cho người tiên dùng trong nước. Ngành thực phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe và sinh mệnh con người; nhà sản xuất phải có tâm, có đạo đức. Nói thì dễ, thực chất là cả một quá trình vì kinh doanh luôn gắn với lợi ích, lợi nhuận. Tại APT, với dây chuyền thiết bị sẵn có, việc sản xuất nước mắm công nghiệp rất dễ dàng, thu hồi vốn nhanh, lợi nhuận cao; chúng tôi không bao giờ cho phép mình làm vậy. Nhân viên APT đều sử dụng nước mắm Bản Việt (sản phẩm của công ty) trong bữa ăn hằng ngày của gia đình. Họ là người trực tiếp tham gia sản xuất, họ hiểu và tin tưởng vào chất lượng sản phẩm đó. Chúng tôi tự hào vì các sản phẩm APT ngày càng có chỗ đứng trong sự lựa chọn của người tiêu dùng trong nước. Cá nhân tôi luôn khao khát, luôn phấn đấu để làm sao mỗi sản phẩm làm ra không chỉ ngon mắt, ngon miệng mà còn an toàn, giàu dinh dưỡng; góp phần cải tạo vóc dáng người Việt Nam chúng ta.

* Chúng tôi được biết, ở APT, người lao động luôn được quan tâm đào tạo để nâng cao tay nghề, nâng cao năng lực…   

– Đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và người lao động đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu công việc là mục tiêu quan trọng của APT trong những năm qua. Chúng tôi luôn tạo điều kiện để người lao động học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thông qua nhiều hình thức (tạo cơ hội, thời gian, cho vay đóng học phí…). APT đào tạo đội ngũ kế thừa đi đôi với kế hoạch sắp xếp bộ máy, công tác cán bộ đúng với năng lực, sở trường nên luôn nhận được sự đồng thuận trong nội bộ. Là người đứng đầu thì không được chấp nhận thất bại. Để làm được điều đó, bản thân tôi cũng phải tự học, tự trang bị kiến thức, nâng cao năng lực quản lý để xử lý linh hoạt các tình huống có khi bất lợi trong sản xuất, kinh doanh.

* Ông có biện pháp ứng phó nào để vừa đảm bảo sản xuất, phát triển thị trường và giữ được việc làm cho người lao động trong khi dịch Covid-19 kéo dài? 

– Từ đầu năm 2020 đến thời điểm hiện tại, kinh tế trong nước và thế giới gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch kéo dài, rất nhiều DN phải ngưng hoạt động. Điều may mắn là chúng tôi vẫn duy trì tốt sản xuất, đảm bảo các chỉ số an toàn, đảm bảo việc làm ổn định cho người lao động, đảm bảo hàng hóa đầy đủ, chất lượng cao phục vụ nhu cầu người dân trong khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. APT đã mở nhiều quầy hàng thủy hải sản với hơn 100 mặt hàng chất lượng cao trong hệ thống siêu thị Co.opmart để phục vụ người tiêu dùng, mở các kênh bán hàng online, giao hàng tận nhà cho khách hàng khi cách ly hay giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, APT vẫn đáp ứng đủ đơn hàng theo kế hoạch với các thị trường truyền thống, kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2019. Chúng tôi tự hào là nhiều năm qua, sản phẩm của APT luôn được người tiêu dùng quan tâm, đánh giá cao về chất lượng với giá hợp lý.

Tận dụng ưu thế công nghệ thông tin, đẩy mạnh bán hàng trên các trang thương mại điện tử, Zalo, Facebook… không đơn thuần là bán hàng mà thông qua đó, giá trị thương hiệu, hình ảnh DN được định vị, nâng tầm, có sức lan tỏa mạnh mẽ, có hiệu ứng rất tích cực.

anh-2-7599-1599810533.jpg

* Trách nhiệm xã hội của APT đối với cộng đồng và môi trường thì sao, thưa ông? 

– Sau cổ phần hóa, APT vô cùng khó khăn về tài chính, nợ xấu bao vây, công ty không thể tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng để bổ sung vốn lưu động, đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị. Việc thuyết phục cổ đông chấp thuận dùng khoản tiền tích lũy ít ỏi để đầu tư thiết bị mới phục vụ sản xuất là vô cùng khó khăn. Vượt qua được cửa ải đó, chúng tôi áp dụng công nghệ mới để nâng cao năng suất lao động, giảm thiểu rủi ro, hướng tới phát triển bền vững. Đảm bảo nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn vệ sinh – an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu của EU. Năng suất lao động tăng bình quân 7-10%/năm.

Tôi đặc biệt quan tâm đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ của DN mình và luôn mong muốn làm ra được những mặt hàng có hàm lượng giá trị gia tăng cao. DN bán hàng trước hết phải bán cái tâm. Đó chính là trách nhiệm đối với người tiêu dùng và là sự sòng phẳng trong cơ chế thị trường. Việc bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi trong nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản bây giờ không chỉ phụ thuộc vào ý thức của DN và các đối tác cung cấp nguyên liệu đầu vào, mà còn là yêu cầu bắt buộc đối với những ai liên quan đều phải tuân thủ. Ở APT, với hơn 150 mặt hàng sản xuất ra, bất cứ sản phẩm nào cũng đảm bảo sự minh bạch về nguồn gốc xuất xứ, có chỉ dẫn rõ ràng. Sản xuất, kinh doanh tuân thủ đúng quy định của pháp luật là góp phần bảo vệ môi trường, tận dụng có hiệu quả các nguồn lực. Ở góc độ DN, tôi mong muốn và hy vọng ngư dân tham gia đánh bắt hải sản phải tuân thủ quy định chung; cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này đẩy mạnh tuyên truyền vận động, có chế tài nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm. Có như vậy, sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam mới nâng cao được giá trị cạnh tranh đối với người tiêu dùng trong nước và quốc tế

* Ông có thể cho biết về việc APT quan tâm chăm lo chu đáo đời sống người lao động?

– Với vai trò là Tổng giám đốc APT, tôi đặc biệt quan tâm đến sức khỏe, đời sống của người lao động bởi họ chính là nguồn lực quan trọng làm nên giá trị DN. Tổ chức Công đoàn phát huy tốt vai trò chăm lo người lao động đầy đủ cả về tinh thần lẫn vật chất. Bữa ăn của công nhân luôn đảm bảo đủ dinh dưỡng, vệ sinh, an toàn thực phẩm. Vào các dịp lễ, Tết, công ty đều có những phần quà ý nghĩa tặng cho người lao động. Thông qua các hoạt động tập thể tặng xe máy, tivi, tủ lạnh (bốc thăm trúng thưởng) để động viên, khích lệ, giúp đỡ những lao động còn khó khăn trong cuộc sống. Cải tạo điều kiện làm việc, kịp thời trợ cấp khi ốm đau cùng các chế độ phúc lợi khác được APT thực hiện đầy đủ. Dù dịch Covid-19 kéo dài, ngoài việc đảm bảo chế độ lương, người lao động còn được tặng gạo và thực phẩm thiết yếu. Đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, khuyến khích người lao động tham gia vào các hoạt động vì cộng đồng. 400 cán bộ, nhân viên và người lao động của công ty là một khối thống nhất, có tinh thần đồng đội, có lòng trắc ẩn, tình tương thân tương ái và luôn tự nguyện đóng góp cùng DN làm công tác xã hội từ thiện.

anh-4-3709-1599810533.jpg

Không chỉ chăm lo cho người lao động tại DN mình mà APT còn thường xuyên đóng góp và tặng quà trực tiếp cho trẻ em nghèo, người già neo đơn, tham gia đóng góp cho các chương trình vì người nghèo, bà con bị thiên tai; đóng góp cho Học bổng Nguyễn Đức Cảnh, đóng góp cho Chương trình Vì Trương Sa… APT còn tham gia các chương trình hội thảo, sự kiện nhằm chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, tham gia các chương trình giúp sinh viên và các bạn trẻ khởi nghiệp. Riêng tôi thì tham gia Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can hằng năm của Báo Doanh Nhân Sài Gòn với vai trò là Phó trưởng ban tổ chức, giao lưu, khơi gợi tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ, đạt được những hiệu ứng tích cực.

* Với vai trò là Phó chủ tịch thường trực Hội Lương thực – Thực phẩm TP.HCM, theo ông, DN Việt Nam, đặc biệt là DN vừa và nhỏ cần phải làm gì để vượt qua khó khăn do đại dịch? 

– Đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn cả trong sản xuất, kinh doanh, tiếp cận thị trường, tiếp cận người tiêu dùng. Vì vậy, theo tôi, DN cần tăng cường mở rộng quan hệ giữa DN với DN, DN với khách hàng, với xã hội thông qua các đoàn thể, hiệp hội ngành nghề, các chương trình xúc tiến thương mại. DN phải khẳng định uy tín thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm để người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn sản phẩm. Doanh nhân phải chủ động tham gia các chương trình phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm, xây dựng kênh bán hàng thương mại điện tử, các trang mạng xã hội để bảo toàn nguồn lực DN, từ đó sẽ phát triển khi đại dịch qua đi.

* Cảm ơn ông về những chia sẻ! 

(Theo Doanhnhansaigon.vn)

Các kênh liên lạc khác
Xin chào! Hãy liên lạc với chúng tôi ngay tại đây
Gọi cho chúng tôi