Nguyên nhân đà tăng giá phân bón xuất phát từ nhiều yếu tố, tuy nhiên, một phần lớn chính bởi tình hình “leo dốc” của giá khí. Cho tới điểm hiện tại, giá khí tự nhiên (nguyên liệu đầu vào để sản xuất các loại phân bón có chứa Nitơ) trên thị trường thế giới vẫn đang giao dịch quanh mức giá 4 USD/thùng, duy trì trạng thái tăng.
Việc Nga và Trung Quốc – hai quốc gia xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới – vừa qua áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu phân bón cho đến ít nhất giữa năm 2022 nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa và kìm hãm đà leo thang của giá thực phẩm, cũng đã góp phần đẩy giá mặt hàng này lên cao.
Không chỉ vậy, giá phân bón toàn cầu gần đây còn được giới phân tích cảnh báo có thể lên mức cao kỷ lục mới khi mà tình trạng mưa lũ nghiêm trọng tại Canada đã làm tê liệt hoạt động xuất khẩu potash – nguyên liệu đầu vào quan trọng cho phân Kali.
Trong bối cảnh trên, Tập đoàn Vinacam (đơn vị nhập khẩu phân bón) mới đây đưa ra một số nhận định về tình hình thị trường phân bón cuối tháng 12/2021 và quý I/2022, trong đó cập nhật: Sau một thời gian dài tăng mất kiểm soát, giá phân Urea và SA đã lập đỉnh trong tháng 11 và có chiều hướng chững lại từ đầu tháng 12 đặc biệt là Urea hạt trong.
Theo Vinacam, giá kali bột sẽ tiếp tục duy trì ổn định ở mức 13-13.5 triệu đồng/tấn và xu hướng này có thể sẽ kéo dài đến tháng 2/2022. Riêng kali miểng sẽ tiếp tục đứng ở mức cao 17-17.5 triệu đồng/tấn và sẽ hướng tới 18 triệu đồng/tấn vào cuối quý 1/2022 do nguồn cung khan hiếm.
Đối với DAP, cùng với quyết định cấm xuất khẩu của Trung Quốc, Nga đã có động thái siết lại hạn ngạch đối với sản phẩm phân bón nitơ và phân tổng hợp chứa nitơ, do vậy DAP sẽ vẫn duy trì đà tăng trưởng và DAP nâu dự kiến sẽ sớm vượt mức 23 triệu đồng/tấn, DAP xanh Hồng Hà và DAP Hàn Quốc là 24-25 triệu đồng/tấn.
Tính đến ngày 13/12 giá phân bón DAP (DAP đen Đình Vũ, DAP xanh Đình Vũ) giao dịch quanh 19 triệu đồng/tấn, tăng hơn 1% so với cuối tháng 10, tuy nhiên, so với thời điểm cuối tháng 9, mức giá DAP cũng đã gần 23%.
Trong khi đó, giá phân nâu/vàng DAP Trung Quốc khoảng 23 triệu đồng/tấn, tăng lần lượt 4.5% và 2.2% so với cuối tháng 10 và tăng tới gần 30% so với cuối tháng 9.
“Phân DAP sản xuất trong nước tiếp tục khan hiếm do tình hình quặng Apatit không được cải thiện. Duy nhất, khả năng DAP 64% Hoá chất Đức Giang là có thể giao từ tháng 12 cho các hợp đồng đã ký từ tháng 10 nhưng mức giá vốn vào đến TP.HCM đã lên đến trên 20 triệu đồng/tấn”, Vinacam lưu ý.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu phân bón cho thấy sự “đồng điệu” với giá mặt hàng này. Cụ thể, kết phiên 13/12, BFC tuy rằng tăng giá 5.82% chỉ trong 1 tuần nhưng lại giảm 4.45% trong vòng 1 tháng.
DCM tăng 6.11% so với 1 tuần trước nhưng lại giảm 1.97% trong 1 tháng. DPM tương tự giảm 4.94% rồi mới ghi nhận tăng 10.5% trong tuần qua. LAS tăng 6.52% trong 1 tuần và tăng 2.08% trong 1 tháng.
DDV có vẻ khởi động chậm hơn so với mã khác, tăng 3.7% trong 1 tuần nhưng lại giảm 6.35% trong một tháng và giảm tới 22.44% so với thời điểm 3 tháng trước. Hiện giá cổ phiếu DDV đang giao dịch tương đương với mức giá của thời điểm trung tuần tháng 10.
Với nền giá hiện tại đã chiết khấu đáng kể so với vùng đỉnh giá, cổ phiếu phân bón được kỳ vọng có thể sẽ vẫn còn hút dòng tiền mới để đón đầu mùa kết quả kinh doanh quý 4, trên cơ sở giá khí, giá phân bón đang hồi phục mạnh.
COMMENTS