Thuật toán đồng thuận Proof of Authority (PoA) là gì?

Cách đầu tư vào NFT: Hướng dẫn từng bước để tìm dự án sinh lời
Chỉ số chứng khoán trung bình công nghiệp Dow Jones là gì?
DROPP là gì? Toàn bộ thông tin về dự án DROPP

Proof of Authority được xem là một thuật ngữ phức tạp và mang tính kỹ thuật đối với nhà đầu tư mới. Hãy cùng Finnews24 tìm hiểu về thuật toán đồng thuận PoA trong bài viết dưới đây.

Thuật toán đồng thuận Proof of Authority (PoA) là gì?

Thuật toán đồng thuận Proof of Authority (PoA) là gì?

Kể từ thời điểm Bitcoin xuất hiện vào năm 2009 đến nay, thị trường tiền mã hóa đã thay đổi rất nhiều. Ngoài các thuật toán phổ biến ở thời điểm đó như Proof of Work (PoW) và Proof of Stake (PoS), thị trường cũng xuất hiện thêm nhiều thuật toán đồng thuận mới, chẳng hạn như Proof of Authority (PoA).

Proof of Authority có khả năng xử lý nhiều giao dịch hơn, chính vì thế nó được xem là giải pháp thay thế cho các thuật toán khác. Tuy nhiên, lợi ích của PoA mang lại cho các blockchain không chỉ dừng lại ở khía cạnh tốc độ xử lý giao dịch. Vậy PoA có lợi ích gì? Hãy cùng Finnews24 tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Proof of Authority là gì?

Proof of Authority (Bằng chứng ủy quyền) là thuật toán đồng thuận dựa trên danh tính được sáng lập bởi Gavin Wood – nhà sáng lập Polkadot và Kusama. Thuật toán này cung cấp một giải pháp thiết thực và hiệu quả cho cả blockchain riêng tư và blockchain công khai.

Thuật toán đồng thuận PoA sử dụng giá trị của danh tính và danh tiếng của những người tham gia vào mạng lưới, thay vì dựa vào giá trị token mà họ sở hữu. Chính vì thế, các blockchain sử dụng thuật toán PoA sẽ được bảo vệ bởi các node xác thực có mức độ tin cậy cao.

Số lượng trình xác thực (validator) của mô hình Proof of Authority bị giới hạn. Chính đặc thù này đã làm cho hệ thống của PoA có khả năng mở rộng. Các khối và giao dịch được kiểm duyệt bởi những node xác thực đáng tin cậy hơn – những người đảm nhận vai trò kiểm duyệt của hệ thống.

Cơ chế hoạt động của Proof of Authority

Về cơ bản, mô hình hoạt động của PoA sẽ hoàn toàn tự động và các trình xác thực đảm nhận những nhiệm vụ cốt lõi. Trong đó, trình xác thực (validator) đảm nhận vai trò khởi chạy phần mềm để chuyển tiếp các yêu cầu giao dịch vào các khối. Quá trình này hoàn toàn tự động, do đó các trình xác thực không cần phải liên tục theo dõi máy tính của họ. Tuy nhiên, nó đòi hỏi phải duy trì máy tính và trang web quản trị luôn trong trạng thái hoạt động.

Các điều kiện và quyền hạn cho mỗi validator sẽ giống nhau. Điều này có nghĩa là cơ hội tạo khối mới và nhận phần thưởng của họ là như nhau. Chính vì thế, thuật toán PoA sẽ ít tốn năng lượng hơn các thuật toán đồng thuận khác, chẳng hạn như PoW. Qua đó, nguyên lý hoạt động của giao thức PoA sẽ được mô tả như sau:

  • Đầu tiên, hệ thống sẽ chọn ngẫu nhiên một validator để xác thực giao dịch và tạo khối mới cho nền tảng blockchain. Validator này sẽ phụ thuộc vào hệ thống bỏ phiếu của validator được ủy quyền trước đó.
  • Tiếp đến, các validator sẽ xác thực các giao dịch diễn ra trong blockchain, sau khi xác thực thành công họ sẽ nhận phần thưởng được trích từ phí giao dịch.

Mặt khác, nếu validator không thể đảm bảo các giao dịch trong hệ thống được diễn ra suôn sẻ hoặc gây hại cho mạng lưới thì danh tiếng của họ sẽ bị đánh giá thấp. Đồng thời, hệ thống sẽ loại bỏ vĩnh viễn quyền xác thực của họ.

Điều kiện để Proof of Authority hoạt động

Với thuật toán PoA, bất kỳ ai cũng có quyền trở thành validator và để PoA hoạt động thì phải tuân thủ đủ 3 điều kiện dưới đây:

  • Danh tính của validator phải được xác thực trên mạng lưới bằng cách kiểm tra chéo thông tin trong public domain.
  • Validator sẽ là người được ủy quyền để xác thực giao dịch cho các khối và bảo vệ mạng lưới. Chính vì thế, việc chọn ra các validator cần phải được xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo mạng lưới luôn được an toàn.
  • Hệ thống cần có sự thống nhất đầy đủ trong việc kiểm tra và các thủ tục để chọn ra các validator đáng tin cậy.

Như đã đề cập, thuật toán PoA sẽ dựa trên giá trị của danh tính người xác thực. Chính vì thế, họ có nhiệm vụ là duy trì các hoạt động của quy trình giao dịch được diễn ra suôn sẻ để tránh làm mất danh tiếng của họ.

Điều kiện để Proof of Authority hoạt động

Ưu và nhược điểm của Proof of Authority

Ưu điểm của PoA gồm có:

  • Sử dụng PoA giúp loại bỏ khả năng bị tấn công vì validator được lựa chọn kỹ lưỡng và có mức độ tin cậy cao.
  • Thuật toán PoA tiết kiệm năng lượng và tốc độ xử lý giao dịch của PoA cũng nhanh hơn nhiều khi so với các thuật toán đồng thuận khác.
  • Với thuật toán này, một khối mới được tạo ra chỉ mất 5 giây và chi phí cực kỳ thấp.
  • Việc mở rộng mạng lưới có thể diễn ra theo chiều ngang với khả năng kết hợp nhiều mạng lưới thành một.
  • Mô hình hoạt động của PoA sẽ hoàn toàn tự động và không yêu cầu các thiết bị chuyên dụng có khả năng giải các phép tính phức tạp.

Nhược điểm của PoA gồm có:

  • Việc sử dụng PoA sẽ không thể phân quyền vì số lượng người tham giao vào quá trình xác thực khối bị giới hạn.
  • Mặc dù PoA có thể được sử dụng trong các blockchain công khai, nhưng nó thường được áp dụng hiệu quả hơn trong các blockchain riêng tư vì cần sự cho phép.
  • Mặc dù, PoA hoạt động dựa trên danh tính của validator nhưng cũng không hoàn toàn đảm bảo được sẽ không có các yếu tố gây hại cho hệ thống.

Blockchain nào sử dụng PoA?

Proof of Authority được ứng dụng ở cả blockchain công khai và riêng tư. Tính đến thời điểm hiện tại, Proof of Authority được sử dụng nhiều bởi các Exchange Chain – những blockchain công khai được xây dựng dành riêng cho các ứng dụng giao dịch tiền mã hóa.

Về cơ bản, các Exchange Chain ưu tiên khả năng mở rộng hệ sinh thái cũng như tăng tính ứng dụng cho các token gốc của họ. Chính vì thế, thuật toán PoA là lựa chọn tuyệt vời cho các Exchange Chain. Một số Exchange Chain thành công khi sử dụng thuật toán PoA là Binance Smart Chain, HECO Chain… Các blockchain khác sử dụng Proof of Authority có thể kể đến là POA.Network, Ethereum Kovan testnet, VeChain…

Tại sao PoA lại vượt trội so với PoW và PoS?

Mặc dù, thuật toán đồng thuận PoW rất đáng tin cậy và an toàn, nhưng khả năng mở rộng của nó bị hạn chế. Bitcoin là ví dụ điển hình sử dụng thuật toán này, do đó hiệu suất giao dịch mỗi giây của Bitcoin rất thấp. Điều này đúng với các blockchain sử dụng thuật toán PoW.

Về cơ bản, để một giao dịch được xác thực trên blockchain sử dụng PoW, nó cần phải được xác minh và chấp thuận bởi hầu hết các node có trên mạng lưới. Do đó, thuật toán PoW cung cấp một hệ thống an toàn và đáng tin cậy, nhưng lại hạn chế khả năng mở rộng của nó. Đây là lý do khiến cho tốc độ xử lý giao dịch của các blockchain sử dụng PoW khá chậm.

Các blockchain sử dụng Proof of Stake (PoS) mang lại hiệu suất tốt hơn các blockchain sử dụng PoW. Tuy nhiên, sự khác biệt này không thực sự ấn tượng vì PoS cũng không giải quyết được vấn đề về khả năng mở rộng.

Chính vì thế PoA được xem là giải pháp dành riêng cho vấn đề này, bản thân PoA là phiên bản cải tiến của PoS, do đó thuật toán này không chỉ vượt trội hơn PoW về tốc độ xử lý giao dịch mà còn giải quyết được vấn đề mở rộng.

Kết luận

Trên đây là những thông tin cơ bản về Proof of Authority (PoA) cách thứcc hoạt động của thuật toán đồng thuận này. Về cơ bản, PoA được ứng dụng ở cả blockchain công khai và riêng tư. Thuật toán này không những cung cấp tốc độ xử lý giao dịch nhanh hơn các thuật toán đồng thuận khác (như PoW và PoS) mà còn mang lại khả năng mở rộng cao.

 

COMMENTS

Các kênh liên lạc khác
Xin chào! Hãy liên lạc với chúng tôi ngay tại đây
Gọi cho chúng tôi