Dự thảo Nghị định 153 bổ sung sửa đổi một số điều nhằm mục đích hoàn thiện khuôn khổ pháp lý một mặt để thị trường tiếp tục phát triển bởi đây là một kênh dẫn vốn quan trọng của doanh nghiệp, một mặt thiết kế các điều khoản để giảm thiểu những rủi ro, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, đảm bảo an toàn thị trường.
Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên môn, một số quy định mới mà dự thảo Nghị định 153 đưa vào sẽ làm khó doanh nghiệp, thậm chí làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp so với các doanh nghiệp nước ngoài.
Cụ thể, tại dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 153 có đề cập: Doanh nghiệp không được phát hành trái phiếu để góp vốn dưới mọi hình thức, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác, hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn.
Bình luận về quy định này tại Đối thoại chuyên đề “Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trước tác động dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP”, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) khẳng định, trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp thì góp vốn, cho vay là quyền của doanh nghiệp. Đây cũng là thông lệ trên thị trường quốc tế. Doanh nghiệp được quyền góp vốn vốn đầu tư, không cho huy động để mua vốn là hạn chế quyền của doanh nghiệp. Bản thân nếu mình làm vậy thì suy luận sâu một tí là sẽ làm cho doanh nghiệp yếu đi so với doanh nghiệp nước ngoài.
“Thương trường là chiến trường, phải cho tôi có vũ khí hiện đại để cạnh tranh còn nếu quy định như thế là hạn chế vũ khí, làm cho doanh nghiệp của mình năng lực cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài bị hạn chế. Dù lo lắng Bộ Tài chính là xứng đáng”, ông Quỳnh nhấn mạnh.
Vậy làm thế nào để quản lý phát hành trái phiếu sử dụng vốn của doanh nghiệp an toàn đảm bảo hợp lý? Cho phép các doanh nghiệp huy động vốn đến mức độ nào?
Theo Tổng thư ký VBMA, với ngân hàng thương mại ta có hệ số an toàn vốn là 8%, công ty chứng khoán là vay nợ/vốn chủ sở hữu 5%. Vừa rồi Nghị định 81 có đưa ra khống chế, nếu doanh nghiệp phát hành trái phiếu mà nợ/vốn chủ sở hữu quá 5 lần thì không được phép phát hành và mình phải có xếp hạng tín nhiệm. Thì giờ đây nên chăng xem xét giới hạn nợ/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp phát hành chứ không nên đánh thẳng vào mục đích sử dụng vốn của doanh nghiệp nữa.
“Tôi cũng chia sẻ với Bộ Tài chính, cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng, ban hành tất cả các chính sách. Về bản chất, trong bất kỳ chính sách nào viết ra không phải vu vơ mà có mục tiêu cụ thể. Với mục tiêu đó tôi cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cũng có khẩu vị rủi ro. Không thể bắt cơ quan quản lý nhà nước làm tuyệt đối hoàn hảo được. Đồng cảm với cơ quan quản lý nhà nước, chấp nhận khẩu vị rủi ro với chính sách, đoàn kết hợp tác để xây dựng thị trường phát triển”, ông Đỗ Ngọc Quỳnh.
Trong Dự thảo Nghị định 153, sửa đổi điểm đ khoản 2 Điều 12 có yêu cầu việc thực hiện xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành và trái phiếu phát hành như sau: “đ) Kết quả xếp hạng tín nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu và trái phiếu phát hành trong trường hợp phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, phát hành trái phiếu không có tài sản bảo đảm, không có bảo lãnh thanh toán, doanh nghiệp phát hành có kết quả kinh doanh của năm liền trước năm phát hành lỗ hoặc có lỗ lũy kế tính đến năm phát hành”.
Liên quan đến vấn đề này, theo ông Quỳnh, phải cân nhắc xem xét áp các quy định liên quan về xếp hạng tín nhiệm bắt buộc với phát hành riêng lẻ. Kinh nghiệm thực tiễn từ các nước cũng cho thấy, để có công ty xếp hạng tín nhiệm chất lượng, hiệu suất cao đáp ứng yêu cầu thì không có gì tự nhiên mà có.
Chẳng hạn như Malaysia rất thành công trong việc xếp hạng tín nhiệm. Họ có mục tiêu xây dựng chính sách ngay từ đầu. Từ năm 1992 khi thành lập công xếp hạng tín nhiệm họ bắt tất cả các công ty phát hành trái phiếu đều phải xếp hạng tín nhiệm bắt buộc. Họ có giải thích là xây văn hoá minh bạch thông tin trong cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư. Khi văn hoá được hình thành rồi thì họ bỏ hoàn toàn luôn không bắt buộc xếp hạng nữa mà thị trường tự xếp hạng, ai cần thì xếp hạng.
Trước đó, ngày 10/11/2021, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 16/2021/TT-NHNN, quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp, hiệu lực vào ngày 15/1/2022. Một vấn đề đặt ra, nhà đầu tư tổ chức là các ngân hàng sẽ bị thu hẹp lại, vậy làm thế nào để tăng cơ sở nhà đầu tư tổ chức như quỹ mở trái phiếu, quỹ hưu trí, nhà đầu tư nước ngoài đảm bảo đầu ra hay yếu tố cầu về trái phiếu cũng như nhằm đa dạng hóa kênh đầu tư cho thị trường này?
Về vấn đề này, theo ông Quỳnh, chúng ta đối diện thực trạng tỷ trọng phát ra công chúng chỉ 5-6% thôi làm cho nền tảng nhà đầu tư không đa dạng hoá được. Nhiều nhà đầu tư, quỹ hưu trí, nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức họ có tiêu chí và lựa chọn trái phiếu niêm yết minh bạch, thanh khoản tốt, giao dịch trên thị trường. Nên vấn đề hiện nay là mở điêu kiện ra hướng doanh nghiệp phát hành ra công chúng, nếu giải quyết được thì sẽ đa dạng được nhà đầu tư.
Tuy nhiên, phát hành ra công chúng đang nhiều vấn đề.
Thứ nhất, muốn phát ra công chúng phải xin phê duyệt Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước mà phát hành riêng lẻ thì không phải làm việc này. Quy trình xin phê duyệt Uỷ ban Chứng khoán thì theo Luật trong vòng 30 ngày sẽ trả lời như thế nào là một bộ hồ sơ đầy đủ? Như vậy, doanh nghiệp không kiểm soát được thời gian để phát hành trái phiếu dẫn đến vỡ kế hoạch kinh doanh nên để chắc thì họ chuyển sang phát riêng lẻ cho nhanh.
Thứ hai, phát hành ra công chúng niêm yết nhưng hiện nay không niêm yết được, đang có lỗi là để thực hiện niêm yết doanh nghiệp phải xin ý kiến Đại hội cổ đông làm mất nhiều thời gian doanh nghiệp. Tôi xin phép Uỷ ban Chứng khoán để phát hành tức là xin niêm yết rồi giờ lại bắt xin ý kiến đại hội cổ đông, làm họ không kiểm soát được thời gian nên chuyển sang phát hành riêng lẻ.
“Chủ trương là đúng nhưng vướng mắc như vậy tôi nghĩ là khó. Hiệp hội đã báo cáo Bộ Tài chính rồi, Bộ chỉ đạo rồi, chúng tôi mong việc này được giải quyết sớm, lúc đó hàng loạt vấn đề được giải quyết”, ông Quỳnh nhấn mạnh.
COMMENTS