Tại sao kế hoạch này lại được quan tâm nhiều đến thế? Chính là bởi nó ảnh hưởng đến chính sách áp thuế của Tổng thống Donald Trump vào các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
“Made in China 2025” là kế hoạch phát triển công nghiệp 10 năm của Trung Quốc, hiện đang nhận được rất nhiều sự quan tâm kể từ khi được đưa ra vào năm 2015.
Nói tóm lại, đây là một kế hoạch chi tiết của Trung Quốc với mục tiêu đưa đất nước trở thành một nền kinh tế sản xuất tiên tiến.
Vậy tại sao kế hoạch này lại được quan tâm nhiều đến thế? Chính là bởi nó ảnh hưởng đến chính sách áp thuế của Tổng thống Donald Trump vào các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
1. Kế hoạch có liên hệ gì với thuế quan Trump?
Kế hoạch “Made in China 2025” đã xác định 10 ngành công nghiệp mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đặt mục tiêu đủ sức cạnh tranh toàn cầu vào năm 2025 và chiếm ưu thế trên thị trường toàn cầu trong thế kỷ này. Dự định áp thuế trên 50 tỷ USD hàng hóa dịch vụ nhập khẩu từ Trung Quốc của ông Trump cũng nhằm vào rất nhiều ngành có trong “Made in China 2025”.
Kế hoạch này đưa ra viễn cảnh về việc mở rộng nhanh chóng và thống trị “cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Trước khi các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ diễn ra tại Bắc Kinh hồi tháng 5, Trung Quốc cho biết họ sẽ không chấp nhận các điều kiện tiên quyết của Mỹ để đi tới đàm phán, kể cả việc từ bỏ kế hoạch 2025.
2. Kế hoạch này bao gồm những ngành công nghiệp nào?
Robot, các phương tiện sử dụng năng lượng thay thế, công nghệ sinh học, hàng không vũ trụ, vận chuyển cao cấp, thiết bị đường sắt tiên tiến, thiết bị điện, vật liệu mới (ví dụ như vật liệu được sử dụng trong các tấm và pin năng lượng mặt trời) và phần mềm và công nghệ thông tin thế hệ mới (bao gồm các mạch tích hợp và thiết bị viễn thông), cũng như máy móc nông nghiệp. Hơn nữa, Trung Quốc còn có một chiến lược phát triển riêng cho lĩnh vực AI, đã được ra vào năm 2017, với mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ AI hàng đầu thế giới vào năm 2030.
3. Tại sao Trung Quốc lại đưa ra kế hoạch này?
Khi nền kinh tế chuyển đổi từ dựa vào các ngành công nghiệp đòi hỏi số lượng lớn lao động như sản xuất quần áo và giày dép sang dựa vào tiêu dùng và dịch vụ, Trung Quốc coi sự chuyển đổi thành sản xuất công nghệ cao là một phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế của đất nước. Chi phí lao động đang tăng lên, tốc độ già hoá dân số cao, khiến cho lực lượng lao động bị thu hẹp, làm giảm khả năng cạnh tranh trong những ngành công nghiệp được cho là bóc lột sức lao động đã thúc đẩy sự phát triển của kế hoạch Made in China 2025. Để lớn mạnh hơn, Trung Quốc phải chuyển hướng sang các ngành công nghiệp hiện đang bị chi phối bởi các nền kinh tế phát triển.
4. Tại sao ông Trump nhắm vào kế hoạch này?
Tập trung vào kế hoạch “Made in China 2025” giúp trực tiếp giải quyết các khiếu nại của các công ty Mỹ đang kinh doanh ở Trung Quốc, hơn là việc áp mức thuế khổng lồ vào các mặt hàng máy giặt, tấm pin mặt trời, thép và nhôm. Các công ty Mỹ từ lâu đã lập luận rằng, Trung Quốc sử dụng một loạt các “thủ đoạn” để buộc họ phải chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, và các chi nhánh của các công ty Trung Quốc cũng tham gia vào hành vi trộm cắp bí mật thương mại của Mỹ.
Các công ty nước ngoài cũng lo sợ họ sẽ không thể cạnh tranh với các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực chế tạo tiên tiến, bởi họ nhận được hỗ trợ từ chính phủ. Đại diện thương mại Hoa Kỳ, Robert Lighthizer, đã nói với Ủy ban Thượng viện vào tháng 3 rằng “đây là những điều mà nếu Trung Quốc thống trị thế giới, thì sẽ gây tổn hại đến Mỹ.”
5. Mỹ có cho rằng kế hoạch này là hợp lý hay không?
Ngay cả ông Tập cũng thừa nhận rằng Trung Quốc phải cải thiện việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Cũng không khó để thấy lý do tại sao Mỹ lại lo lắng về mối đe dọa đang tăng dần của Trung Quốc trong các ngành mà nước này vẫn có lợi thế.
Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á, Trung Quốc đã chiếm giữ vị trí đứng đầu của Nhật trong xuất khẩu hàng công nghệ cao của châu Á vào năm 2014, chiếm 44% các lô hàng này, như dụng cụ y tế, máy bay và thiết bị viễn thông, tăng từ 9,4% vào năm 2000. Hiện tại, Trung Quốc đang phát triển rất nhanh chóng, từ những lĩnh vực từ tái tạo năng lượng cho đến sản xuất ô tô chạy bằng điện, và đang tiến gần hơn tới việc sản xuất hàng loạt các máy bay dân dụng.
6. Phản ứng của Trung Quốc như thế nào?
Chính sách thuế quan là một “đòn” tấn công vào các ngành công nghiệp mới nổi. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Hua Chunying, nói rằng: “Chúng tôi có lý do chính đáng để xem xét về tính hợp pháp của những động thái mà Mỹ đã thực hiện dựa trên cơ sở an ninh quốc gia, ví dụ kế hoạch áp thuế cao đối với nhiều ngành công nghiệp có trong kế hoạch ‘Made in China 2025’. Rõ ràng rằng, họ đang nhằm vào một mục tiêu khác.”
Các cuộc đàm phán để giải quyết vấn đề này được cho là đã bị huỷ, sau khi chính quyền Trump yêu cầu Trung Quốc cắt giảm số tiền hỗ trợ cho các ngành công nghiệp công nghệ cao.
7. Động thái đáp trả từ phía chính quyền Trump
Động thái này nhắm vào các công ty công nghệ Trung Quốc. Mỹ đã ban hành lệnh cấm 7 năm đối với các nhà cung cấp điện thoại tại Mỹ về việc mua các sản phẩm linh kiện của tập đoàn ZTE, đe dọa đến sự tồn vong của nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn thứ hai của Trung Quốc. Mỹ cho biết, ZTE đã vi phạm các điều khoản thi hành án phạt và sau đó gian lận về vấn đề này.
Được biết, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cũng đang điều tra liệu một công ty công nghệ khác của Trung Quốc là Huawei Technologies Co., với lý do tương tự. Sau lệnh cấm đối với ZTE, ông Tập cho biết Trung Quốc sẽ kiểm soát chặt chẽ các công ty công nghệ lớn và dựa những sáng kiến đổi mới trong nước.
8. Những nhà phân tích nói gì?
Theo ông David Loevinger, cựu chuyên gia về Trung Quốc tại Bộ Tài chính Hoa Kỳ và hiện là nhà phân tích tại công ty quản lý quỹ TCW Group Inc. tại Los Angeles, căng thẳng thương mại leo thang cho thấy rằng Trung Quốc đang ngày càng ít tham gia vào các hợp tác mang tính bổ trợ với Mỹ và có những động thái cạnh tranh trực tiếp hơn. Ông nói thêm: “Made in China 2015 là một phần trong kế hoạch mà Trung Quốc đang nỗ lực để ‘vượt mặt’ Mỹ trong một số ngành công nghiệp.”
Nguồn: Trí thức trẻ/Bloomberg
COMMENTS