Trước những khó khăn dịch Covid-19 gây ra khiến ngành du lịch và nền kinh tế ngưng trệ, chính phủ Singapore đã từng bước tiến hành những biện pháp mở cửa một cách thận trọng, nhằm khôi phục nền kinh tế nước nhà.
Mở cửa biên giới, vực dậy nền kinh tế
Singapore vốn được biết đến là một quốc gia đối mặt với nhiều khó khăn như: Khan hiếm đất đai, thị trường lao động thiếu hụt và chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ những quốc gia láng giềng có giá nhân công rẻ. Dẫu vậy, nhờ sự cởi mở, sáng tạo đi kèm với những chiến lược đúng đắn, Singapore đã dần trở thành trung tâm thương mại, tài chính, vận tải và du lịch toàn cầu.
Nối tiếp tinh thần đó, trước những khó khăn dịch Covid-19 gây ra khiến ngành du lịch và nền kinh tế ngưng trệ, chính phủ Singapore đã từng bước tiến hành những biện pháp mở cửa một cách thận trọng, nhằm khôi phục nền kinh tế nước nhà.
Nổi bật là động thái Singapore thiết lập thỏa thuận RGL “Làn đường xanh đối ứng” để tạo thuận lợi cho việc di chuyển phục vụ các mục đích thiết yếu, trước mắt là với các quốc gia, vùng lãnh thổ có hệ thống giám sát sức khỏe cộng đồng toàn diện và kiểm soát thành công Covid-19.
Theo đó, công dân tại các quốc gia có thỏa thuận “Làn đường xanh đối ứng” có thể nhập cảnh vào Singapore trong một thời gian ngắn dưới sự theo dõi, kiểm soát chặt chẽ của lực lượng chức năng và ngược lại.
Để đi lại qua biên giới, công dân hai nước sẽ phải đăng ký trước với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh; và phải tải ứng dụng Trace Together trên điện thoại nhằm theo dõi lịch trình di chuyển trong thời gian nhập cảnh. Người nhập cảnh chỉ được ở lại tối đa 14 ngày, phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 trong vòng 72 tiếng trước khi nhập cảnh. Họ cũng sẽ phải nộp “lịch trình được kiểm soát” và tuân thủ lịch trình này trong thời gian nhập cảnh.
Ngày 26/6, Bộ ngoại giao Singapore và Malaysia đã nhất trí thiết lập “Thỏa thuận Sắp xếp cư trú dài hạn” (PCA) nhằm phục vụ đi lại vì mục đích công vụ, kinh doanh.
Singapore và Việt Nam dự kiến mở “Làn đường xanh đối ứng” vào năm 2021. Hiện tại, các quốc gia đủ điều kiện cho thỏa thuận RGL gồm Brunei, Đức, Nhật Bản, Malaysia, Trung Quốc đại lục (Trùng Khánh, Quảng Đông, Giang Tô, Thượng Hải, Thiên Tân và Chiết Giang) và Hàn Quốc.
Ngoài ra, ngày 26/6, Bộ ngoại giao Singapore và Malaysia đã nhất trí thiết lập “Thỏa thuận Sắp xếp cư trú dài hạn” (PCA) nhằm phục vụ đi lại vì mục đích công vụ, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tại các doanh nghiệp ở 2 quốc gia có thể di chuyển dễ dàng giữa 2 nước.
Bộ Ngoại giao Singapore cho biết những công dân này sẽ được về nhà nghỉ phép ngắn ngày sau khi có ít nhất 90 ngày liên tục làm việc tại Singapore hoặc Malaysia. Sau khi kết thúc kỳ nghỉ, họ sẽ được phép nhập cảnh trở lại quốc gia nơi họ làm việc.
Phía đảo quốc sư tử còn áp dụng chính sách “Thẻ thông hành đường hàng không” (Air Travel Pass) để du khách nhập cảnh Singapore mà không cần phải tự cách ly tại nhà trong 14 ngày nếu đạt đủ các điều kiện. Ngoài Việt Nam, “Thẻ thông hành đường hàng không” còn áp dụng cho du khách đến từ Úc, Brunei, Hồng Kông, Trung Quốc đại lục (Trùng Khánh, Quảng Đông, Giang Tô, Thượng Hải, Thiên Tân và Chiết Giang), New Zealand, Đài Loan.
Du khách từ những nơi kể trên có thể đăng ký “Thẻ thông hành đường hàng không” (ATP), cho phép họ nhập cảnh vào Singapore với bất kỳ mục đích du lịch nào, bao gồm cả du lịch giải trí.
Đơn đăng ký phải được thực hiện từ 7 đến 30 ngày theo lịch trước ngày dự định nhập cảnh vào Singapore của du khách. Khi đơn đăng ký ATP được chấp thuận, thư chấp thuận sẽ được gửi đến người nộp đơn qua email. ATP có giá trị cho một lần nhập cảnh vào Singapore bất kỳ lúc nào kể từ ngày dự định nhập cảnh của du khách và tối đa 7 ngày sau đó.
Trước khi khởi hành đến Singapore, du khách có ATP phải ở lại quốc gia của họ trong 14 ngày liên tiếp gần đây nhất. Họ cũng phải đăng ký xét nghiệm PCR Covid-19 khi đến và tự cách ly tại nơi ở đã được khai báo trong khi chờ kết quả xét nghiệm.
Trước đó, đảo quốc sư tử đã dần nới lỏng các biện pháp hạn chế, giãn cách, đồng thời thiết lập “bong bóng du lịch” với Hồng Kông, đàm phán làn đường xanh đối ứng cho việc đi lại thiết yếu với các quốc gia gồm Brunei, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, Đức và 6 khu vực tại Trung Quốc (gồm Trùng Khánh, Quảng Đông, Thượng Hải, Giang Tô, Chiết Giang, Thiên Tân).
Hỗ trợ tối đa với du khách nước ngoài
Để hỗ trợ tốt nhất với du khách nước ngoài đến Singapore, hiện quốc gia này còn cho phép du khách có thể mua bảo hiểm để trang trải những chi phí y tế liên quan tới Covid-19 phát sinh ở Singapore. Đây là sáng kiến được STB, Hiệp hội Bảo hiểm Singapore, Changi Airport Group (CAG) cùng một số công ty bảo hiểm tư nhân phối hợp thực hiện.
Ba công ty bao hiểm tham gia vào chương trình gồm AIG Asia Pacific Insurance, Chubb Insurance Singapore và HL Assurance.
Được biết, phí bảo hiểm bắt đầu từ 5,35 SGD (khoảng 100.000 đồng), bao gồm thuế hàng hóa và dịch vụ. Giá trị các gói bảo hiểm dao động từ 30.000 – 250.000 SGD (từ 520 triệu đến 4,3 tỉ đồng). Giá trị tối thiểu được quyết định dựa theo đề nghị của Bộ Y Tế sau khi xem xét tổng chi phí cho việc điều trị tại các bệnh viện tư nhân.
Gói bảo hiểm cho du khách được đánh giá là chìa khóa cho việc mở cửa du lịch đến Singapore. Hiện tại, du khách nước ngoài đến Singapore phải tự chịu chi phí điều trị y tế, xét nghiệm và cách ly, nếu bị nghi nhiễm hoặc cần điều trị Covid-19.
Không quên các biện pháp đảm bảo an toàn
Song song với những kế hoạch mở cửa biên giới trở lại, chính phủ Singapore vẫn đặt vấn đề phòng dịch và an toàn lên hàng đầu. Đảo quốc này là một trong những quốc gia đầu tiên triển khai ngăn chặn Covid-19 trên cả nước với chiến dịch SG Clean.
Chứng nhận SG Clean – được coi như sự công nhận của quốc gia dành cho các đơn vị xuất sắc – đã được trao cho hơn 20.000 khách sạn, trung tâm thương mại, nhà hàng, trung tâm hội nghị… Các đơn vị này đã đáp ứng đủ các tiêu chuẩn cao nhất của chiến dịch SG Clean về mức độ vệ sinh và an toàn dịch tễ.
Ưu tiên hàng đầu của Singapore là đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của người dân cũng như du khách. Do vậy, Đảo quốc Sư tử cũng áp dụng các sáng kiến công nghệ để hỗ trợ khách hàng có trải nghiệm tốt nhất trong khi vẫn đảm bảo các quy định chống dịch.
Ví dụ, khách sạn Marina Bay Sands – điểm du lịch nổi tiếng của Singapore – là một trong những nơi đầu tiên áp dụng biện pháp “check-in” điện tử. Ngoài ra còn có hệ thống A.I giám sát để đảm bảo du khách tuân thủ quy định giãn cách xã hội.
Hệ thống check-in và kiểm tra hành lý không tiếp xúc được lắp đặt ở sân bay Changi. Nguồn: ChannelNewsAsia
Cơ quan nhập cư và trạm kiểm soát Singapore đã nâng cấp các làn nhập cư tự động tại sân bay Changi với một hệ thống sinh trắc học mới sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt và mống mắt. Nguồn: ChannelNewsAsia
Tại sân bay quốc tế Changi, hệ thống phát hiện chuyển động được lắp đặt để hỗ trợ du khách “check-in” mà không cần tiếp xúc bằng tay. Robot lau dọn cũng xuất hiện nhiều khu vực công cộng.
Sân bay Changi cũng thiết lập phòng thử nghiệm Covid-19 chuyên dụng để tăng cường năng lực thử nghiệm khi đến, như một phần của các biện pháp mở lại biên giới của Singapore cho khách du lịch quốc tế và hồi sinh trung tâm hàng không của nước này.
Cuối cùng, sân bay Changi cũng nhắm tới trở thành trung tâm vận chuyển hàng không đối với vaccine phòng Covid-19 trong thời gian tới. Để đạt được mục tiêu đó, sân bay Changi hiện đang nỗ lực tăng cường chuẩn bị mọi khâu từ vận chuyển, lưu trữ đến phân phối vaccine ngay khi có sẵn.
Tổng cục Du lịch Singapore (STB) là cơ quan dẫn đầu trong việc phát triển ngành du lịch tại Singapore. Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, STB đã đề ra kế hoạch cụ thể nhằm từng bước thận trọng làm vực dậy và quảng bá ngành du lịch Singapore. Những cột mốc chính trong kế hoạch bao gồm:
– Thành lập Lực lượng Đặc nhiệm Phục hồi Du lịch Singapore (TRAC), bao gồm các nhà lãnh đạo thuộc ngành du lịch đến từ phía chính phủ và doanh nghiệp tư nhân, chịu trách nhiệm vạch ra các kế hoạch chiến lược cho sự phục hồi và phát triển tương lai của ngành du lịch Singapore
– Thiết lập các thỏa thuận đi lại đặc biệt với các quốc gia khác nhằm mở cửa biên giới một cách thận trọng (thỏa thuận Làn đường xanh đối ứng, thẻ Thông hành đường hàng không)
– Phối hợp với Cơ quan Phát triển doanh nghiệp Singapore (Enterprise Singapore) để tổ chức chiến dịch SG Clean nhằm khuyến khích doanh nghiệp thuộc ngành du lịch tuân theo tiêu chuẩn kiểm tra vệ sinh mới
– Đề ra Khung Sự kiện Doanh nghiệp An toàn và Lộ trình Phục hồi ngành Sự kiện để hướng dẫn nhà tổ chức MICE (ngành Hội họp, Du lịch – Khen thưởng, Triển lãm, Hội thảo) tổ chức sự kiện một cách an toàn.
Theo Cafebiz.vn
https://cafebiz.vn/singapore-than-trong-mo-cua-bien-gioi-no-luc-vuc-day-hau-covid-19-20201223104343857.chn