Theo Bloomberg, Singapore và Thái Lan đang thảo luận nhằm kết nối hệ thống thanh toán điện tử quốc gia để thành lập một liên minh chưa từng có trong khu vực. Đây là động thái nằm trong kế hoạch hạn chế việc sử dụng tiền mặt trong thanh toán của hai nước.
Singapore và Thái Lan dự tính kết hợp 2 nền tảng thanh toán điện tử quốc gia PayNow và PromptPay.
Theo Bloomberg, Singapore và Thái Lan đang thảo luận nhằm kết nối hệ thống thanh toán điện tử quốc gia để thành lập một liên minh chưa từng có trong khu vực. Đây là động thái nằm trong kế hoạch hạn chế việc sử dụng tiền mặt trong thanh toán của hai nước.
Liên kết này sẽ kết hợp 2 nền tảng thanh toán điện tử quốc gia đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á, PayNow của Singapore và PromptPay của Thái Lan, Naphongthawat Phothikit, giám đốc bộ phận chính sách hệ thống thanh toán của Ngân hàng Trung ương Thái Lan cho biết.
“Cơ quan Tiền tệ Singapore và Ngân hàng Trung ương Thái Lan đang xem xét các khả năng” về một hệ thống kết hợp hai nền tảng này, Naphongthawat nói trong một bài phỏng vấn. Các thảo luận giữa hai bên đang ở giai đoạn đầu và vẫn còn quá sớm để nói về chi tiết cũng như lộ trình, ông nói thêm.
Đây là động thái mới nhất của các quốc gia châu Á nhằm hiện đại hóa quy trình thanh toán trong nước. Hiện nay, các chính phủ từ Ấn Độ cho tới Indonesia đều đang khuyến khích người dân thanh toán bằng thẻ, thiết bị di động hoặc các kênh thanh toán trực tuyến – những phương thức được cho là hiệu quả và dễ theo dõi hơn so với tiền giấy hoặc tiền xu.
Đến nay, tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán chủ yếu tại nhiều nước trong khu vực này. Theo một khảo sát của PayPal Holdings Inc., trong số 4.000 khách hàng tại 7 thị trường châu Á được hỏi, có tới 57% cho biết họ vẫn chủ yếu dùng tiền giấy và tiền xu. Trong khi đó, tại phần lớn các nước châu Âu, giao dịch điện tử là phương thức thanh toán chủ yếu.
Tại Thái Lan, dịch vụ thanh toán điện tử PromptPay do các ngân hàng phát hành hồi đầu năm, được giám sát bởi Ngân hàng Trung ương, hiện có 24 triệu đăng ký qua thẻ căn cước, tương đương 1/3 dân số, ông Naphongthawat cho biết.
Trong khi đó, ở Singapore, PayNow, được giới thiệu bởi hiệp hội ngân hàng hồi tháng 7, hiện có hơn 500.000 đăng ký, một thông cáo ngày 29/8 của Cơ quan Tiền tệ Singapore cho biết.
Cả hai hệ thống này đều cho phép chuyển tiền liên ngân hàng và việc thanh toán được thực hiện bằng điện thoại di động của người nhận hoặc số thẻ căn cước cá nhân.
Thái Lan đang đi tiên phong nhằm khuyến khích người dân ứng dụng nhiều phương thức thanh toán ngoài tiền mặt như thẻ tín dụng, ví di động, ông Naphongthawat cho biết trong một bài phỏng vấn hồi cuối tháng 9.
Các giao dịch thanh toán điện tử, gồm chuyển tiền điện tử, ví điện tử, thẻ tín dụng và ngân hàng trực tuyến, ngân hàng di động tại Thái Lan, đã tăng khoảng 30% mỗi năm trong vào 5 năm qua, ông cho biết thêm.
Theo Bloomberg, các ngân hàng tại Đông Nam Á cũng đang chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh khi mà các hãng công nghệ khổng lồ của Trung Quốc như Alibaba đang triển khai kế hoạch phủ sóng dịch vụ thanh toán điện tử Alipay trong khu vực.
Do đó, các ngân hàng Thái Lan cũng buộc phải thúc đẩy phương thức thanh toán điện tử “nhằm đảm bảo có thể cạnh tranh với các đối thủ tiềm năng từ nước ngoài, trong đó có Alipay và WeChat – hai dịch vụ đang chỉ phục vụ du khách Trung Quốc tại Thái Lan”, Naphongthawat nói.
Trong khu vực châu Á, Ấn Độ là quốc gia có nhiều chiến dịch quyết liệt nhằm giảm tiền mặt trong lưu thông. Theo Wall Street Journal, lượng giao dịch qua thiết bị di động tại Ấn Độ đã tăng gấp đôi sau khi chính phủ nước này khởi động chiến dịch hồi năm ngoái. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cũng nới lỏng nhiều quy định liên quan tới thanh toán qua di động, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ hình thức thanh toán này.
Nguồn: Vneconomy
COMMENTS