Sự kết thúc của chu kỳ tiền rẻ?

Hồ sơ Pandora: Mọi chú ý dồn về một công ty luật
Nga không kích Kiev và đưa quân băng qua biên giới Ukraine
Các nhà đầu tư quốc tế “săn đón” chứng khoán Trung Quốc

* Bài viết thể hiện quan điểm của HANS-WERNER SINN

Mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hiện đang cân nhắc về kế hoạch giảm tốc độ mua tài sản hàng tháng do số liệu lạm phát tăng nhanh trong giai đoạn vừa qua, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu – Christine Lagarde tiếp tục nhấn mạnh rằng lạm phát cao sẽ không kéo dài. Theo bà, lạm phát mà chúng ta đang thấy hiện nay chỉ mang tính chất tạm thời và nó sẽ biến mất khi sự gián đoạn chuỗi cung ứng được khắc phục nên ECB sẽ không thay đổi các chính sách của mình. Cách lập luận trên giống như một người lái xe ngựa từ chối giật dây cương để giảm tốc độ của con ngựa bởi vì sau cùng thì con ngựa ấy sẽ mệt mỏi mà dừng lại mà thôi.

Chúng ta cũng không nên quá lo lắng, theo Hiệp ước Maastricht, ECB có nghĩa vụ đảm bảo sự ổn định giá cả trong mọi trường hợp. Không có điều khoản nào cho phép ngân hàng trung ương để giá tăng quá nóng trong một thời gian.

Tình trạng tắc nghẽn nguồn cung là do các biện pháp kiểm dịch tại các cảng biển – điều này xuất hiện ở nhiều nơi nhưng nổi bật nhất là Trung Quốc. Các tàu đến cảng không thể dỡ hàng của họ và do đó cũng không thể gửi các sản phẩm mà nền kinh tế châu Âu có nghĩa vụ phải cung cấp cho các khách hàng của mình. Giá cước vận chuyển hàng hải quốc tế đã tăng gấp 8 lần kể từ năm 2019. Ngoài ra, tình trạng đóng cửa biên giới giữa các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu vào mùa đông và mùa xuân năm ngoái đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt cả gỗ và các vật liệu xây dựng khác được sản xuất ngay tại châu Âu.

Do đó, trong một cuộc khảo sát vào mùa thu năm 2021 của Viện Ifo, 70% các nhà sản xuất Đức cho biết đã gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu. Để so sánh, con số cao nhất từng xuất hiện trong 30 năm khảo sát trước đó chỉ ở mức 20%. Ifo tính toán rằng những nút thắt về nguồn cung sẽ khiến Đức mất khoảng 40 tỷ Euro (45 tỷ USD) giá trị gia tăng – tương đương 1.15% GDP trong năm 2021.

Những tắc nghẽn về nguồn cung rõ ràng là chưa cho thấy sự cải thiện đáng kể bất chấp nhiều gói kích thích và giải cứu khổng lồ mà các chính phủ châu Âu đã thực hiện trong cuộc khủng hoảng COVID-19. Ví dụ, chính phủ liên bang Đức đã ban hành các chương trình lên tới khoảng 10% GDP của Đức nếu tính dàn trải ra cho giai đoạn hai năm và Liên minh châu Âu đã ban hành thêm nhiều chương trình hỗ trợ lên tới 4.5% GDP của EU trong giai đoạn hai năm. Các chương trình này phần lớn được tài trợ bởi khoản nợ chính phủ, và do đó, ECB dễ dàng chấp thuận và nhiều trái phiếu được phát hành với lãi suất cực thấp.

Chưa bao giờ mà châu Âu lại thông qua những chương trình kích cầu với quy mô lớn như vậy. Khi nguồn cung bị tắc nghẽn, các nhà hoạch định chính sách đã không ngại ngần tăng tốc hết sức các gói hỗ trợ, điều này ví von giống tình trạng phanh tay thì vẫn đang dùng còn chân ga thì đạp hết cỡ. Kết quả là nền kinh tế rơi vào trạng thái mà các nhà kinh tế học gọi là lạm phát đình trệ (stagflation).

Tỷ lệ lạm phát ngày nay đang ở mức rất cao không chỉ ở Hoa Kỳ (ở mức 6.2%) mà còn ở châu Âu. Tính đến tháng 10 năm 2021, giá cả trong khu vực đồng Euro nói chung đã tăng 4.1% so với cùng kỳ năm ngoái; ở Đức, nền kinh tế lớn nhất lục địa, giá đã tăng 4.5%. Và chưa dừng lại ở đó, Văn phòng Thống kê Liên bang Đức vừa công bố rằng giá sản xuất công nghiệp theo năm đã tăng 18.4% trong tháng 10. Đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 1951, ngay sau khi Cộng hòa Liên bang Đức được thành lập, vượt cả mức tăng giá đỉnh điểm hàng tháng trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970 (14.6% vào tháng 6 năm 1974).

Trái với chỉ số giá tiêu dùng chỉ đo lường giá cả của sản phẩm cuối cùng thì chỉ số giá sản xuất công nghiệp lại đo lường tất cả các giai đoạn trung gian trong quá trình sản xuất. Do đó, chúng có ý nghĩa nhất định trong việc dự báo chỉ số giá tiêu dùng, mặc dù các sản phẩm cuối cùng sẽ không tăng đột biến với tốc độ như vậy.

Những con số lạm phát mới này quá cao đến mức thái độ của ECB có vẻ như đang là cố ý tránh né. Nước Đức hiện đang trải qua đợt lạm phát mạnh nhất tính trong một đời người. Và tình hình cũng không khả quan hơn ở các nước châu Âu khác. Vào tháng 9, Pháp công bố giá sản xuất công nghiệp tăng 11.6% tính theo năm và con số đó đang là 15.6% ở Ý, 18.1% ở Phần Lan, 21.4% ở Hà Lan và 23.6% ở Tây Ban Nha.

Tệ hơn nữa, sự gia tăng này không giống như một hiện tượng chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Mặc dù các nút thắt về nguồn cung có thể sẽ được khắc phục vào mùa hè năm sau, nhưng các công đoàn sau đó sẽ yêu cầu tăng tiền lương cho nhân viên để điều chỉnh phù hợp cho mức lạm phát năm vừa rồi. Điều đó sẽ kích hoạt vòng xoáy tăng giá và tiền lương trong vài năm tới. Nhu cầu mua sắm sản phẩm lâu bền (consumer durables) của người tiêu dùng sẽ được thúc đẩy, qua đó làm tăng thêm lạm phát.

Hơn nữa, ngay cả khi làn sóng lạm phát đầu tiên bắt đầu hạ nhiệt, có lẽ sớm nhất là vào mùa thu năm sau, những nguy cơ mới sẽ xuất hiện. Nếu ECB chần chừ trong các quyết định đợt tăng lãi suất được dự báo trước của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, đồng Euro sẽ giảm giá trị, thúc đẩy giá nhập khẩu tăng lên tương ứng. Thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh (baby boomer) bắt đầu bước vào giai đoạn nghỉ hưu, điều này có ý nghĩa rằng sẽ có nhiều người tiêu dùng mới nhưng lại thiếu nhân lực cho hoạt động sản xuất và do đó gia tăng áp lực lạm phát do nhu cầu tăng cao. Về mặt chi phí, sự chuyển dịch ra khỏi nhiên liệu hóa thạch và sự đóng cửa của các nhà máy điện hạt nhân ở Đức sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng giá. Tuy vậy, nó đòi hỏi trí tưởng tượng để có thể hình dung làm thế nào mà kinh tế châu Âu lại có những diễn biến giống như thập niên 70, khi mà lạm phát đã kéo dài hơn cả một thập kỷ.

Trước tình hình đó, các nền kinh tế châu Âu và ECB phải đưa ra được một chính sách rõ ràng để dừng việc vay nợ quá mức. Nếu các nhà hoạch định chính sách muốn bòn rút tiền từ nền kinh tế cho các mục tiêu kinh tế thì nhà nước phải cắt giảm các khoản chi tiêu khác với giá trị tương đương cho mục đích tài trợ. Nếu chính sách tăng lãi suất không được thông qua bởi ECB thì cơ chế crowding-out sẽ thay mặt ngân hàng trung ương điều chỉnh lãi suất phù hợp (nghĩa là việc nhà nước gia tăng chi tiêu công, làm tăng nhu cầu về tiền và qua đó kéo lãi suất tăng cao).

Dù bằng cách nào, lạm phát tăng vọt hiện nay cũng đánh dấu sự kết thúc của giấc mơ viễn vông rằng tiền có thể in ra mãi mãi. Cuộc sống tốt đẹp được tài trợ bởi máy in đồng Euro sẽ kết thúc một lần và mãi mãi.

HANS-WERNER SINN từng là Giáo sư tại Khoa Kinh tế tại Đại học Munich (LMU) từ năm 1984 và từ năm 2016, ông vinh dự trở thành Giáo sư Danh dự tại đây. Từ năm 2017, ông là Giáo sư thỉnh giảng lâu dài tại Đại học Lucerne và đến đầu năm 2019, ông trở thành Trưởng ban Điều tiết của Hội đồng Kinh tế Bavaria (WBU).

Ông là cựu chủ tịch của Viện Nghiên cứu Kinh tế Ifo và phục vụ trong Hội đồng Cố vấn của Bộ Kinh tế Đức. Ngoài ra, ông còn là tác giả của cuốn sách The Euro Trap: On Bursting Bubbles, Budgets, and Beliefs, Oxford University Press, 2014.

COMMENTS

Các kênh liên lạc khác
Xin chào! Hãy liên lạc với chúng tôi ngay tại đây
Gọi cho chúng tôi