Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Dự thảo có một số nội dung chính đáng quan tâm, cần được xem xét kỹ thêm trước khi thông qua.
Sẽ phản ứng như thế nào?
Theo giải thích của NHNN, hiện nay, thị trường vàng đã có chuyển biến tích cực, vàng miếng không còn hấp dẫn như trước, doanh số giao dịch mua, bán vàng miếng của toàn hệ thống giảm, sức mua vàng trong dân tiếp tục giảm. Với diễn biến tương đối thuận lợi này, việc giảm thiểu các quy định về hồ sơ, thủ tục điều chỉnh Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng là hợp lý nhằm giảm chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp, xã hội, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Như vậy, có thể hiểu rằng một trong những lý do chính để NHNN sửa đổi Nghị định trên theo hướng nới lỏng điều kiện kinh doanh vàng là do vàng miếng không còn “nóng”, lên cơn sốt như trước đây nữa. Nếu đúng vậy, nếu sau này thị trường vàng miếng (thường xuyên) lên cơn nóng sốt, NHNN sẽ phải một lần nữa sửa đổi Nghị định sửa đổi (hiện đang là dự thảo) để dập cơn sốt vàng?
Nếu câu trả lời cho câu hỏi trên là đúng, thì có nghĩa là NHNN sẽ “lội ngược dòng”, làm tăng chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp, cho xã hội, và cũng không phù hợp với tinh thần kiến tạo của Chính phủ hiện nay. Sở dĩ nói các chi phí mà NHNN tạo thêm ra cho việc kinh doanh vàng là chi phí không cần thiết bởi chính NHNN tự thấy các điều kiện kinh doanh vàng trong Nghị định 24 là không cần thiết như nêu trên nên mới phải soạn dự thảo để bãi bỏ, sửa đổi theo hướng đơn giản hóa.
Nếu câu trả lời là không, điều này có thể được hiểu rằng NHNN đã có thái độ khá “cởi mở” với kinh doanh vàng (miếng), hầu như coi vàng cũng chỉ như là một loại hàng hóa khác, không cần phải có (nhiều) điều kiện kinh doanh đặc thù gây khó dễ như trước đây.
Vì vàng vẫn là một loại hàng hóa (đặc biệt), chịu sự chi phối của quy luật cung-cầu có sự liên thông chặt chẽ với thị trường thế giới nên trong tương lai không thể tránh khỏi khả năng sẽ xuất hiện lại những cơn sốt nóng của thị trường vàng trong nước. Lúc đó, NHNN chọn lựa phản ứng nào trong hai phản ứng nói trên cũng đều là lựa chọn khó khăn cho chính cơ quan này. Nếu thắt chặt thì, như đã nói, sẽ làm “tổn thương” hình ảnh của NHNN. Nếu NHNN không thắt chặt, họ sẽ phải giải trình thế nào với công luận về những tác động tiêu cực của những cơn sốt vàng lên nền kinh tế như họ đã chỉ ra trước đây để lấy đó làm cơ sở cho ra đời Nghị định 24?
Thêm khó khăn cho kinh doanh vàng trang sức
Theo dự thảo, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) sẽ phải quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ không chỉ trong lưu thông như Nghị định 24 mà còn trong cả hoạt động sản xuất, nhập khẩu. Như vậy, có thể hình dung doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu vàng nguyên liệu và thành phẩm, bán thành phẩm từ nay sẽ phải thực hiện các yêu cầu, quy định của và “đón tiếp” thêm các đoàn thanh, kiểm tra từ Bộ KHCN. Nói cách khác, việc sản xuất kinh doanh của họ sẽ có thêm nhiều trở ngại, khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, tính hợp lý của việc quy định Bộ KHCN quản lý chất lượng vàng trang sức ít nhất là trong sản xuất và nhập khẩu cũng là một điều chưa rõ ràng. Dù có thể lập luận rằng việc quản lý này là để, ví dụ, tránh gian lận tuổi vàng, trọng lượng vàng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Nhưng chẳng lẽ mỗi lần doanh nghiệp nhập vàng nguyên liệu, vàng trang sức thành phẩm, bán thành phẩm, hoặc sản xuất một lô sản phẩm mới họ phải mang mẫu đến cho Bộ KHCN kiểm tra, xác nhận đúng như đơn đặt hàng, chứng nhận của nhà xuất khẩu, và đồng thời phải phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam thì mới được thông quan, mới được lưu thông, tiêu thụ hay sao? Hơn nữa, nếu lo ngại quyền lợi người tiêu dùng bị ảnh hưởng, thì chỉ cần quản lý ở khâu lưu thông, bán hàng đã là quá đủ (thậm chí là quá sức), chứ chưa cần phải truy đến gốc từ nhập khẩu và sản xuất.
Chặn đường doanh nghiệp mới
Dự thảo cũng quy định đối với hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng của doanh nghiệp cần thêm xác nhận của cơ quan thuế về số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng trong 2 năm liền kề trước đó và báo cáo tài chính đã được kiểm toán của 2 năm liền kề trước đó.
Với quy định như trên, các doanh nghiệp mới thành lập để kinh doanh, mua bán vàng miếng hoặc doanh nghiệp chuyển đổi chức năng và phạm vi hoạt động (sang kinh doanh, mua bán vàng miếng) sẽ bị loại trừ khỏi lĩnh vực này vì không có hoạt động tương ứng trước đó. Nói cách khác, sẽ chỉ còn những doanh nghiệp đang kinh doanh, mua bán vàng miếng (đã tồn tại trong lĩnh vực này ít nhất 2 năm) mới được (tiếp tục) mua bán, kinh doanh vàng miếng. Tức là thị trường vẫn tiếp tục bị chi phối, bóp méo bởi một số ít doanh nghiệp hiện hữu.
Ngoài ra, không rõ mục đích của việc quy định phải có xác nhận nộp thuế và báo cáo tài chính đã kiểm toán để làm gì, nhưng quy định như trên còn thêm điều không rõ ràng, dễ là cái cớ để làm khó doanh nghiệp. Cụ thể là nộp thuế (thuế gì?) phải đến mức tối thiểu là bao nhiêu, kết quả kinh doanh trong báo cáo tài chính phải tốt đến đâu thì mới đáp ứng được yêu cầu để được cấp phép? Liệu doanh nghiệp luôn bị lỗ trong (ít nhất) 2 năm trước có được cấp phép?
Theo Cafef
COMMENTS