Trong bối cảnh Mỹ đang cân nhắc động thái tiếp theo để trừng phạt Triều Tiên vì các vụ thử tên lửa liên tiếp xảy ra trong những ngày gần đây, có ý kiến cho rằng trừng phạt các ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc sẽ là cách hiệu quả nhất để gây sức ép buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân.
Phản ứng với vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên, Tổng thống Trump viết trên Twitter rằng Mỹ đang xem xét “ngừng mọi hoạt động thương mại với bất kỳ quốc gia nào giao thương với Triều Tiên”. Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin được cho là đang soạn thảo 1 nhóm các lệnh trừng phạt nghiêm khắc hơn.
Theo Bejoy Das Gupta, chuyên gia kinh tế trưởng tại Viện Tài chính quốc tế IIF, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, chiếm tới 85% tổng kim ngạch thương mại của Triều Tiên. Hồi tháng 8, Bộ Tài chính Mỹ cũng đưa ra 1 báo cáo trong đó bổ sung thêm nhiều tổ chức, cá nhân Trung Quốc vào danh sách trừng phạt. Ở thời điểm đó, ông Mnuchin nói rằng Bộ Tài chính Mỹ “sẽ tiếp tục gây sức ép lên Triều Tiên bằng cách cô lập họ khỏi hệ thống tài chính”.
Nhắm đến các ngân hàng lớn nhất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không phải là 1 ý tưởng mới. Và Mỹ cũng có nhiều sự lựa chọn khác. Tuy nhiên, dù Bank of China được cho là đã giúp Triều Tiên chống đỡ lại lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ, ngân hàng này vẫn nằm ngoài danh sách trừng phạt. Thay vào đó trong danh sách trừng phạt của Mỹ chỉ gồm những ngân hàng nhỏ, ví dụ như Bank of Dandong.
Mấy năm gần đây, tất cả 4 ngân hàng quốc doanh lớn nhất Trung Quốc đều đã tăng cường sự hiện diện ở Mỹ với các hoạt động phong phú đa dạng, từ cho vay đến phát hành trái phiếu và tài trợ thương mại. Theo xếp hạng của S&P Global Market Intelligence, 4 ngân hàng này cũng là những ngân hàng lớn nhất thế giới xét theo tài sản.
Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) hiện đứng số 1 với 3.470 tỷ USD tài sản tính đến cuối năm 2016. 3 ngân hàng còn lại gồm Ngân hàng Xây dựng TQ, Ngân hàng Nông nghiệp TQ và Bank of China đều có tổng tài sản nằm trong khoảng 2.600 – 3.020 tỷ USD.
Trong khi đó ngân hàng lớn nhất nước Mỹ là JPMorgan Chase chỉ đứng thứ 6 với tổng tài sản 2.490 tỷ USD. Ngân hàng lớn nhất châu Âu, HSBC, xếp thứ 7 với 2.370 tỷ USD.
Quy mô khổng lồ của các ngân hàng cũng giúp Trung Quốc vượt qua châu Âu trở thành nơi có hệ thống ngân hàng lớn nhất thế giới với tổng tài sản 33.000 tỷ USD, theo bảng xếp hạng 2016 của Financial Times.
Sức khỏe của hệ thống ngân hàng Trung Quốc là chủ đề mà nhiều người theo dõi sát sao bởi các ngân hàng hiện nắm giữ hơn 90% tổng tài sản trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Do đó, theo Scott Seaman, giám đốc mảng châu Á tại hãng tư vấn Eurasia Group, trừng phạt những ngân hàng lớn nhất sẽ gây ra những tác động lớn đến “thị trường tài chính cũng như nền kinh tế toàn cầu”.
“Bộ Tài chính Mỹ vẫn lưỡng lự trong việc thực hiện các biện pháp trừng phạt gián tiếp, ví dụ như nhằm vào các doanh nghiệp nhà nước hay các ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc. Một phần nguyên nhân là vì Chính phủ Trung Quốc sẽ phản ứng rất tiêu cực, nhưng cũng vì làm như vậy sẽ tác động lớn đến thị trường tài chính quốc tế”, Seaman nói. “Tuy nhiên, chúng tôi dự báo Mỹ sẽ cứng rắn hơn và trừng phạt những thứ mà có thể khiến Bắc Kinh thất vọng”.
Hồi cuối tháng 8, Mỹ cũng đã ra lệnh trừng phạt một loạt các tổ chức, cá nhân Trung Quốc và Nga mà nước này cho là đã hỗ trợ Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Triều Tiên hiện vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong dòng chảy thương mại quốc tế, đứng thứ 119 trên bảng xếp hạng các quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới. Mỗi năm nước này xuất khẩu khoảng 3 tỷ USD hàng hóa, chủ yếu là than đá, xăng dầu và các mặt hàng bán lẻ. Tổng kim ngạch nhập khẩu của Triều Tiên vào khoảng 3,5 tỷ USD mỗi năm.
Một vài nền kinh tế lớn làm ăn với cả Mỹ và Triều Tiên, có thể kể đến Ấn Độ, Nga và Pakistan và lớn nhất vẫn là Trung Quốc.
Nguồn: Trithuctre
COMMENTS