Xu hướng “chồng ở nhà nội trợ, vợ đi làm kiếm tiền” đang tăng mạnh ở Nhật Bản

Bài học xây dựng thương hiệu từ Kit Kat Nhật Bản: Tuyệt chiêu biến một sản phẩm ngoại thành biểu tượng của cả đất nước
Dính bê bối, Nissan tuyên bố dừng sản xuất ô tô tại Nhật
Thủ tướng Nhật Bản cam kết tăng thuế tiêu dùng bằng mọi giá

Ở đất nước Nhật Bản mà qua nhiều thế hệ, công việc của người đàn ông trong gia đình luôn được ưu tiên hơn phụ nữ, hiện đang có một sự thúc đẩy để hướng tới bình đẳng giới được chính phủ tiến hành sau nhiều năm đấu tranh với tỷ lệ sinh thấp.

Đầu những năm 2000, Nhật Bản có tỉ lệ sinh giảm mạnh, cùng với đó là sự già hoá của dân số, dẫn đến thiếu lao động trầm trọng. Các nhà chức trách lúc đó đành phải chuyển hướng nguồn cung lao động sang một đối tượng mới: phụ nữ.

Điều này trái ngược lại với lối suy nghĩ từ trước tới nay của chính phủ Nhật là nếu phụ nữ càng làm việc nhiều, họ sẽ càng trì hoãn việc kết hôn và sinh đẻ. Vì thế, tới năm 2005, các nhà cầm đầu đất nước quyết định ban hành nhiều hơn nữa những chính sách ưu đãi về nghỉ đẻ cũng như đồng ý trợ cấp cho các sản phụ. Nhưng tiếc thay, vẫn không có gì khác biệt. Mặc dù số lượng phụ nữ đi làm ngày càng tăng cao giúp giải quyết vấn đề thiếu lao động, thì tỉ lệ sinh vẫn tiếp tục giảm mạnh.

Xu hướng chồng ở nhà nội trợ, vợ đi làm kiếm tiền đang tăng mạnh ở Nhật Bản - Ảnh 1.

Mặc dù số lượng phụ nữ đi làm ngày càng tăng cao giúp giải quyết vấn đề thiếu lao động, thì tỉ lệ sinh vẫn tiếp tục giảm mạnh.

Khi các nhà chức trách Nhật Bản cầu cứu tới những nhà nghiên cứu trên khắp thế giới để tìm hiểu về lí do suy giảm tỉ lệ sinh, họ hiểu rằng trước giờ họ đã nỗ lực để thay đổi sai đối tượng. Phụ nữ thấy việc làm mẹ không hấp dẫn không phải do công việc đã chiếm hết thời gian của họ, mà là do thiếu sự ủng hộ, hợp tác của những người chồng.

Cần giải quyết vấn đề tồn tại trong cách làm việc quá đặt nặng kỉ luật của người dân Nhật

Theo một khảo sát vào năm 2006, đàn ông Nhật chỉ dành khoảng 1 giờ mỗi tuần để chăm sóc con cái, còn ở phụ nữ thì con số này lên tới 30 đến 40 tiếng mỗi tuần.

Nhưng vấn đề này không bắt nguồn từ việc những người đàn ông này coi thường việc chăm sóc con cái hay vì họ lười biếng. Khi bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi khảo sát những người cha trong năm 2008, một phần ba trong số họ nói rằng họ thực sự muốn xin nghỉ phép để ở nhà chơi với con, nhưng lại sợ sếp mình không vừa ý.

Tại một cuộc phỏng vấn cho chương trình IkuBoss vào tháng 4 năm 2014, bà Masako Mori, bộ trưởng Nhật Bản về bình đẳng giới và suy giảm tỷ lệ sinh, nói rằng các công ty Nhật Bản cần tạo thêm nhiều cơ hội và chính sách ưu đãi hơn để các ông bố bà mẹ có thể yên tâm nghỉ phép để chăm con mà hoàn toàn không phải chịu bất cứ hình phạt nào.

Xu hướng chồng ở nhà nội trợ, vợ đi làm kiếm tiền đang tăng mạnh ở Nhật Bản - Ảnh 2.

Bà Masako Mori, bộ trưởng Nhật Bản về bình đẳng giới và suy giảm tỷ lệ sinh, nói rằng các công ty Nhật Bản cần tạo thêm nhiều cơ hội và chính sách ưu đãi hơn để các ông bố bà mẹ có thể yên tâm nghỉ phép để chăm con.

“Vì các công ty luôn cần nguồn nhân lực lớn để vận hành bộ máy mỗi ngày, nên các nhân viên luôn cho rằng mình không có quyền xin nghỉ phép để chăm sóc con cái.” – bà Mori nói. “Chính vì vậy chúng ta cần những vị sếp chịu đứng ra và thuyết phục nhân viên của mình rằng: ‘Hãy về nhà sớm và dành thời gian cho con bạn đi, chúng còn nhỏ và rất cần sự quan tâm. Sẽ có người khác làm thay việc của bạn thôi.’”

Đập tan những định kiến lâu đời

Anh Shuichi, 30 tuổi, từng làm kỹ sư tại một công ty công nghệ ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản trước khi anh được chẩn đoán mắc bệnh sarcoidosis, một loại bệnh gây nên sự tăng trưởng các cơ quan chính của cơ thể. Anh Shuichi đã kết hôn được một năm, và vì căn bệnh của anh khiến anh phải nằm liệt giường và không thể làm việc, anh đã yêu cầu vợ anh, Kiyoko, được ly hôn với suy nghĩ rằng điều này sẽ khiến cuộc sống của cô ấy hạnh phúc hơn.

“Cô ấy đã giận tôi và nói: ‘Em sẽ đi làm kiếm tiền, anh cứ việc ở nhà và lo việc nội trợ!’.” – anh Shuichi nhớ lại. Vào thời điểm đó, việc vợ đi làm còn chồng ở nhà là điều hết sức kì lạ.

Đó là những năm đầu của thập niên 2000, khi việc theo đuổi sự nghiệp thường chỉ dành cho đàn ông. Trước lúc đó chỉ một thập kỉ, phụ nữ Nhật Bản vẫn không được phép đi làm. (Trước khi chính quyền Nhật Bản ban hành đạo luật “Cơ hội việc làm bình đẳng” vào năm 1986, phụ nữ thường bị ngăn cản khi có ý định đi làm kiếm tiền).

Vào năm 2001, khi Kiyoko quyết định đảm nhận vai trò làm nguồn cung tài chính cho gia đình, thì việc một người đàn ông làm nội trợ vẫn là điều gì đó hết sức kì lạ. Ở thời kì đó, đàn ông thường phải làm việc mệt mỏi trong 12 đến 13 tiếng mỗi ngày trong khi phụ nữ chỉ ở nhà chăm sóc con cái hoặc làm các công việc được trả lương thấp.

Trước kia, với công việc kỹ thuật viên của mình, Shuichi thường xuyên nhận làm thêm 120 giờ mỗi tháng. Thời điểm đó, anh không có nhiều thời gian bên các con của mình, và các đồng nghiệp của anh cũng hiếm khi thấy chúng. Tình trạng này gần giống như những gì Shuichi gặp phải trong thời thơ ấu của anh: cha anh, một doanh nhân thành đạt, thường vắng mặt trong các bữa cơm gia đình. Bản thân Kiyoko cũng có một mối quan hệ tương tự với cha của cô ấy. Thời đó, những ông bố quả thực giống như những người xa lạ trong các hộ gia đình Nhật Bản.

Vì vậy, quá trình thay đổi thành một người nội trợ quả không dễ dàng đối với những người đàn ông như Shuichi. Khi ở nhà, Shuichi có thể cảm nhận được sự soi mói của những bà nội trợ khác anh nếu họ bắt gặp anh bước cửa hàng tạp hóa vào giờ hành chính. Vì vậy, anh vẫn thường hay mặc bộ đồng phục cơ quan của mình tới đó chỉ để tránh sự dòm ngó của những người xung quanh.

“Trong một thời gian dài, khi tôi cảm thấy đủ tự tin để đi ra ngoài, tôi sẽ luôn mặc bộ com lê của tôi, thậm chí kể cả những lúc tôi đi đến cửa hàng hoặc khi nấu ăn” – anh nói.

Nhưng đến khi vợ anh kiếm ngày càng nhiều tiền hơn, anh nhận ra rằng mình có thể giúp đỡ cô ấy bằng cách làm việc nhà thay vì cứ tìm cách đối phó với sự dị nghị của xã hội hay cố tìm việc làm.

Để đánh dấu bước ngoặt lớn trong tư tưởng này, Shuichi đã đi tẩy tóc. Điều này có vẻ không có gì lấy làm lạ ở các nước phương Tây, hay kể cả ở nước Nhật hiện nay. Nhưng trong mắt người dân Nhật Bản lúc đó, đàn ông tóc vàng không được phép đi làm kiếm tiền. Quyết định tẩy tóc này của Shuichi vì vậy cũng đồng nghĩa như lời tuyên bố của anh về việc mình sẽ trở thành một người chồng nội trợ.

Xu hướng chồng ở nhà nội trợ, vợ đi làm kiếm tiền đang tăng mạnh ở Nhật Bản - Ảnh 3.

Shuichi quyết định thay đổi suy nghĩ và trở thành một người nội trợ trong gia đình.

Vẫn còn áp lực tới từ gia đình và xã hội

Kể cả khi các công ty đưa ra nhiều chính sách có lợi hơn cho các bậc cha mẹ, chúng ta cũng cần hiểu rằng áp lực từ các vị “phụ huynh của phụ huynh”, hay ông bà của những đứa trẻ, cũng sẽ là một trở ngại lớn cần vượt qua nếu như ta muốn hướng đến sự bình đẳng giới một cách toàn diện.

Các thế hệ ông bà Nhật Bản thường sinh trưởng trong những gia đình kiểu cũ, với những định kiến được giữ nguyên tới tận bây giờ ngay cả khi cuộc sống đã và đang thay đổi liên tục. Chính vì vậy, những người phụ nữ theo đuổi sự nghiệp riêng của mình thường bị chỉ trích rằng làm như vậy sẽ khiến những đứa con của họ có một tuổi thơ bất hạnh do không có mẹ ở bên để chăm sóc.

Thêm vào đó, việc trở thành một người đàn ông nội trợ như anh Shuichi sẽ được nhìn nhận như một điều vô cùng bất thường và đáng xấu hổ. Thậm chí người Nhật còn có một thuật ngữ riêng chỉ những người đàn ông có vợ và thất nghiệp, đó là himo (“sợi dây trói buộc”), ám chỉ đến sự phụ thuộc tài chính vào người vợ của họ.

Đó chính là lời lí giải cho một cuộc khảo sát được thực hiện vào đầu những năm 2000. Khi đó, phụ nữ thường đánh giá những người đàn ông làm nội trợ là “kém nam tính” hoặc “không có chí hướng”.

Những áp lực tinh thần tác động vào cả 2 phía đã khiến việc cố gắng đẩy mạnh bình đẳng giới đã khó nay còn khó hơn nhiều lần.

Vẫn còn hi vọng về một Nhật Bản bình đẳng giới trong tương lai

Tuy khó khăn lại chồng thêm khó khăn, nhưng trong thập kỉ vừa qua, đã có một sự thay đổi rõ rệt trong tiềm thức của người dân Nhật Bản. Phụ nữ không chỉ là những người làm công việc nội trợ, và đàn ông cũng vì vậy mà được giảm bớt gánh nặng phải chu cấp cho gia đình mình.

Anh Kiyonori Yamashita (hay còn được gọi là Kiyo) thường dùng bữa tối cùng con trai, Seiji, và vợ, Lara. Họ luôn chuyện trò và cười khúc khích trong suốt bữa ăn. Anh cũng thường xuyên xuất hiện trong các trận đấu bóng đá của con trai và vì thế, Kiyo và cậu con trai 10 tuổi của mình rõ ràng là rất gần gũi nhau.

Kiyo nói rằng lí do anh có thể dành nhiều thời gian hơn với con trai mình một phần nhờ cô vợ Lara, người Ireland, mong muốn anh ấy làm vậy.

“Có lẽ vì tôi có một người vợ phương Tây.” – anh nói. “Nếu tôi có một người vợ Nhật Bản, chắc cô ấy sẽ là người duy nhất chăm sóc cho con trai tôi. Quan điểm người dân Nhật Bản là người mẹ luôn phải chăm sóc lũ trẻ, còn đàn ông chỉ phải đi làm.”

Những người đàn ông như Shuichi hay Kiyo, những người từng được gọi theo cách mỉa mai là các ông “chồng nhà” đã khiến số lượng lao động nữ tăng đột biến trong những năm vừa qua. Vào những năm 2000, Nhật Bản đã phải chứng kiến sự tụt hậu với thế giới về số lao động nữ, nhưng năm ngoái tỉ lệ phụ nữ đi làm tại Nhật đã vượt qua Mỹ và chạm mốc 76,3%.

Những năm gần đây, số lượng đàn ông Nhật Bản san sẻ việc nhà cũng như việc chăm sóc con cái với vợ mình ngày càng gia tăng. Giới truyền thông cũng đóng vai trò rất lớn trong cuộc “cách mạng” này khi những hình ảnh của đàn ông làm nội trợ xuất hiện khắp nơi trên các mặt báo, chương trình truyền hình và kể cả các bộ phim dài tập.

Xu hướng chồng ở nhà nội trợ, vợ đi làm kiếm tiền đang tăng mạnh ở Nhật Bản - Ảnh 4.

Những năm gần đây, số lượng đàn ông Nhật Bản san sẻ việc nhà cũng như việc chăm sóc con cái với vợ mình ngày càng gia tăng.

Trước đây, khi được hỏi về quan điểm của mình đối với những ông bố làm việc nhà, nữ sinh tại trường đại học Ochanomizu, Nhật Bản đã nói rằng theo họ đàn ông như vậy vô cùng thiếu hấp dẫn. Tuy nhiên, khi khảo sát lại nhóm người này vào thời điểm hiện tại, một nửa trong số họ nói rằng họ đang tìm kiếm bạn đời là những người “chồng nhà”.

Điều đáng nói ở đây là những ông bố bà mẹ này đều trong tầm tuổi 30, vì thế, ta có thể nhận thấy rằng giới trẻ hiện nay đã có cách nghĩ rất khác biệt so với những bậc phụ huynh ở độ tuổi 50. Việc đặt niềm tin vào một thế hệ trẻ Nhật Bản trong tương lai cũng vì vậy mà hoàn toàn không phải là điều vô lý.

 

Nguồn: Helino

COMMENTS

Các kênh liên lạc khác
Xin chào! Hãy liên lạc với chúng tôi ngay tại đây
Gọi cho chúng tôi